Hướng dẫn cách viết đơn ly hôn theo mẫu mới nhất 2021
Đơn ly hôn là tài liệu cần có trong hồ sơ ly hôn, dù là ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương. Đơn xin ly hôn bao gồm thông tin cá nhân, tình trạng hôn nhân và mong muốn của người viết đơn về quyền nuôi con, phân chia tài sản,… Đơn yêu cầu ly hôn được nộp kèm với các tài liệu khác để Tòa án xem xét giải quyết.
Mục lục
Đơn ly hôn là gì?
Đơn xin ly hôn là văn bản do vợ/chồng tự soạn theo biểu mẫu nhà nước quy định. Đơn xin ly hôn thể hiện các thông tin cá nhân như họ tên, số chứng minh thư nhân dân, địa chỉ cư trú và tình trạng hôn nhân, mong muốn được ly hôn và quyền nuôi con, quyền tài sản khi ly hôn.
Theo quy định hiện nay, có hai hình thức ly hôn là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương.
☛ Ly hôn thuận tình
Ly hôn thuận tình hình thức ly hôn theo yêu cầu của cả hai vợ chồng. Điều kiện để ly hôn thuận tình là vợ chồng đã thỏa thuận được tất cả các vấn đề liên quan đến quan hệ hôn nhân, quyền nuôi con, phân chia tài sản hoặc đồng ý tách yêu cầu chia tài sản thành một vụ việc khác sau ly hôn.
☛ Ly hôn đơn phương
Ly hôn đơn phương là hình thức ly hôn theo yêu cầu của một bên, vợ hoặc chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu thấy cuộc hôn nhân không thể kéo dài, không đạt được mục đích hôn nhân.
Hướng dẫn cách viết đơn xin ly hôn theo mẫu mới nhất 2021
Đơn xin ly hôn là tài liệu không thể thiếu trong hồ sơ ly hôn, dù là ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương. Ngoài các thông tin cá nhân cần được ghi chính xác, bạn cần chú ý cách viết đơn xin ly hôn ở các mục sau:
☛ Phần nội dung đơn xin ly hôn
Đối với phần nội dung đơn, nguyên đơn có quyền ghi nhận lại toàn bộ thời gian, quá trình chung sống giữa hai vợ chồng như: Kết hôn vào thời gian nào, nơi đăng ký kết hôn, lý do xin ly hôn (bạo lực, mâu thuẫn không thể hàn gắn, ngoại tình,…), tình trạng hôn nhân hiện tại,…
☛ Phần con chung
Vợ chồng đã có con chung hay chưa, nếu có thì ghi rõ họ tên và ngày tháng năm sinh của con. Người viết đơn mong muốn vợ hay chồng sẽ trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Nếu chưa thỏa thuận được người nuôi con thì đề nghị tòa án giải quyết theo quy định hiện hành.
☛ Phần tài sản chung
Nếu vợ chồng có tài sản chung thì ghi thông tin về tài sản, trị giá thực tế, đề nghị phân chia … Nếu không có tài sản chung ghi không có hoặc ghi tài sản chung do hai bên tự nguyện thỏa thuận không yêu cầu tòa án phân chia;
☛ Phần nợ chung
Nếu không có nợ chung thì ghi không có. Nếu có nợ chung ghi cụ thể số nợ và đề nghị phân chia nghĩa vụ trả nợ trong đơn. Nếu hai bên tự nguyện thỏa thuận không yêu cầu tòa án phân chia cũng thể hiện rõ trong đơn.
Một số câu hỏi liên quan đến đơn ly hôn
Liên quan đến đơn xin ly hôn, chúng tôi xin trả lời một số câu hỏi phổ biến sau đây:
➣ Có cần phải hai vợ chồng ký vào đơn xin ly hôn?
Nếu là hình thức ly hôn thuận tình thì bắt buộc phải có chữ ký cả vợ và chồng trong đơn xin ly hôn. Nếu ly hôn đơn phương thì chỉ cần người viết đơn (vợ hoặc chồng) ký tên.
➣ Đơn xin ly hôn viết tay có được chấp nhận không?
Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân tối cao ban hành đơn yêu cầu ly hôn kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP. Tuy nhiên, tại văn bản này cũng như các văn bản liên quan cũng không yêu cầu vợ, chồng bắt buộc phải sử dụng hai mẫu này để gửi Tòa án ly hôn. Do đó, người yêu cầu ly hôn có thể viết tay theo mẫu với đầy đủ các nội dung cần có.
➣ Nộp đơn xin ly hôn có mất tiền không?
Hiện nay, đối với trường hợp không có tranh chấp về tài sản, án phí ly hôn là 300.000 đồng. Trong đó, nếu đơn phương ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm không phụ thuộc vào việc đơn yêu cầu có được chấp thuận hay không.
Nếu ly hôn thuận tình, mỗi bên chịu một nửa án phí hoặc 02 bên tự thỏa thuận.
Đối với trường hợp ly hôn có tranh chấp về tài sản, 02 bên phải chịu án phí theo giá trị tài sản.