Hướng dẫn viết đơn ly hôn thuận tình theo chuẩn Tòa án
Đơn ly hôn thuận tình là tài liệu không thể thiếu để thực hiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền công nhận quyết định ly hôn của hai vợ chồng. Khi cả hai bên vợ chồng cùng nhận thấy không thể tiếp tục cuộc sống hôn nhân của mình, pháp luật cho phép họ thỏa thuận với nhau để chấm dứt mối quan hệ này. Tuy nhiên, vợ chồng vẫn cần lưu ý một số quy định pháp lý ly hôn theo pháp luật hiện hành để có thể nhanh chóng hoàn tất thủ tục này.
Mục lục
Đơn ly hôn thuận tình là gì?
Ly hôn được định nghĩa tại khoản 14 Điều 4 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 là: “việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Đơn ly hôn thuận tình trong thủ tục ly hôn đóng vai trò là “Đơn yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự”. Về mặt pháp lý, quan hệ hôn nhân là quan hệ dân sự đặc biệt, vì vậy khi cả hai bên đồng thời muốn chấm dứt mối quan hệ này, bạn bắt buộc phải yêu cầu tòa án công nhận.
Nội dung cần có của đơn ly hôn thuận tình
Dựa trên quy định về nội dung cần có của đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự tại Điều 362 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, có thể hiểu đối với vụ việc ly hôn, đơn ly hôn thuận tình cũng cần có đầy đủ những nội dung dưới đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn
- Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn
- Thông tin cá nhân đầy đủ của hai bên vợ chồng: Họ và tên, địa chỉ, nơi làm việc, phương thức liên hệ,
- Lý do dẫn đến quyết định ly hôn của cả hai bên
- Thỏa thuận vợ chồng về tài sản chung, nợ chung, con chung khi ly hôn
- Các tài liệu khác bổ trợ cho lý do ly hôn
- Những tài liệu chứng minh tài sản, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi người trong hôn nhân
- Danh mục giấy tờ, tài liệu đính kèm theo đơn
- Xác nhận của vợ, chồng
Những lưu ý khi trình bày đơn ly hôn thuận tình
Ngoài việc đảm bảo đơn ly hôn của mình có đầy đủ nội dung, bạn cũng cần lưu ý trình bày các nội dung trong đơn một cách rõ ràng, mạch lạc, đúng chính tả theo ngôn ngữ phổ thông.
Lý do dẫn đến ly hôn là thông tin bắt buộc phải được thể hiện rõ nét nhất trong đơn yêu cầu ly hôn. Bạn nên thông tin đầy đủ từ quá trình kết hôn, đến hiện trạng của vợ chồng khi quyết định ly hôn. Trình bày các mâu thuẫn phát sinh trong quá trình hôn nhân, những cố gắng hàn gắn từ cả hai bên vợ chồng nhưng không thành công…
Nếu có thỏa thuận hoàn chính về các tài sản vợ chồng sở hữu khi ly hôn, cần lưu ý liệt kê chi tiết và đầy đủ tất cả các loại tài sản này. Nếu là bất động sản cần có địa chỉ cụ thể, động sản cần có thông tin tài sản cụ thể, những khoản tiền đầu tư, tiết kiệm ở đâu, chứng từ chứng minh đi kèm. Ghi rõ thỏa thuận phân chia của vợ chồng cho từng loại tài sản. Trong trường hợp không có tài sản chung của vợ chồng thì vẫn cần thông tin trong đơn: “Không có tài sản chung”.
Tương tự như thỏa thuận về tài sản, trường hợp vợ chồng có nợ chung cũng phải liệt kê thật rõ ràng chi tiết các khoản nợ, chủ nợ, thời hạn vay và trả. Thông tin về thỏa thuận phân chia nghĩa vụ trả nợ cho vợ chồng cho từng khoản nợ được nêu trong đơn.
Về con chung, vợ chồng cần ghi đầy đủ thông tin của con, nguyện vọng của con và thỏa thuận của hai bên về vấn đề chăm sóc, nuôi dưỡng con cái sau ly hôn. Thỏa thuận về chu cấp cho con chung của người không trực tiếp chăm sóc… Trường hợp chưa có con chung thì ghi: chưa có con chung.
Hồ sơ thực hiện thủ tục ly hôn thuận tình
Ngoài đơn yêu cầu Tòa án công nhận ly hôn thuận tình, trong quá trình thực hiện thủ tục ly hôn, bạn vẫn cần chuẩn bị thêm các giấy tờ như:
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn
- Chứng từ chứng minh nhân thân của cả hai bên vợ, chồng
- Giấy khai sinh của con chung
- Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản vợ chồng
- Những tài liệu khác chứng minh cho lý do ly hôn
- Các tài liệu liên quan đến thỏa thuận vợ chồng trong đơn ly hôn.