Lịch xét xử Tòa án TP HCM và những thông tin cần thiết
Để phục vụ nhu cầu tham gia trong tố tụng các cá nhân, tổ chức cần phải chú ý đến thời gian phiên tòa xét xử. Điều này không chỉ giúp theo dõi được toàn bộ nội dung vụ việc mà đối với những người mang tư cách chính như nguyên đơn, bị đơn,… thì đây là nghĩa vụ buộc họ phải chú trọng. Vậy lịch xét xử Tòa án TP HCM là khi nào và những thông tin cần thiết sẽ bao gồm những gì?
Mục lục
1. Lịch sử hình thành ngành Tòa án nhân dân TP HCM
Trong những ngày đầu, nhiệm vụ đầu tiên của Đảng đề ra là xóa bỏ hoàn toàn bộ máy Nhà nước và nền tư pháp cũ. Do đó, vào ngày 13/09/1945, Chủ tịch chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ký ban hành Sắc lệnh số 33C. Đây được coi là mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của ngành tư pháp Việt Nam.
Ngành Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh được thành lập vào tháng 9 năm 1976. Sau hơn 40 năm phát triển, hệ thống Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã gồm có 1 Tòa án nhân dân thành phố và 24 Tòa án nhân dân quận – huyện. Hiện nay, Tòa án vẫn đang thực hiện chức năng tư pháp theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đã góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước và công dân một cách hiệu quả.
2. Lịch xét xử Tòa án TP HCM và những thông tin cần thiết
Trên thực tế, xét xử vụ việc dân sự sẽ căn cứ vào các yếu tố như thời gian nộp đơn tố cáo và được chấp nhận thụ lý,… Đối với vụ án hình sự, bên cạnh đó còn căn cứ vào mức độ nghiêm trọng, quá trình điều tra, khởi tố,… Cho nên, không có một khoảng thời gian ấn định cụ thể nếu cơ quan có thẩm quyền chưa đủ các chứng cứ, chứng minh để giải quyết.
Thậm chí, trong quá trình xét xử, nhiều trường hợp sẽ phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án trong tố tụng hình sự căn cứ theo khoản 1 Điều 229, khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Vì vậy, sau đây chúng tôi sẽ cung cấp một số thông tin cần thiết về lịch xét xử của Tòa án TP HCM và những vấn đề liên quan khác.
2.1. Lịch xét xử của Tòa án TP HCM
Để nắm bắt được thông tin về lịch xét xử Tòa án TP HCM, các cá nhân, tổ chức có thể lên website của Tòa án nhân dân tối cao hoặc Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Không chỉ góp phần rút ngắn thời gian tìm kiếm, việc truy cập trang vào các trang web trên còn giúp ích tối đa cho người dân khi muốn hiểu biết thêm về pháp luật.
Ngoài ra, người dân có thể đến trực tiếp Tòa án nhân dân TP HCM thông qua địa chỉ 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Lịch xét xử sẽ được dán bên ngoài phía trước cửa sau khi bước qua cổng chính.
2.2. Những thông tin cần thiết khác
Bên cạnh về lịch xét xử, tìm hiểu thông tin về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng rất quan trọng. Theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2014, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chung, quy định cụ thể tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 của Luật này, cụ thể bao gồm:
- Về chức năng: Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.
- Về nhiệm vụ: Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, chấp hành pháp luật, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.
- Về quyền hạn: Tòa án xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định pháp luật,…
Ngoài vấn đề này, người dân nên quan tâm đến hệ thống tổ chức. Hiện nay, ở Tòa án TP Hồ Chí Minh, hệ thống tổ chức có 05 lãnh đạo, bao gồm 01 Chánh án và 04 Phó Chánh án. Theo đó, trong ban lãnh đạo cụ thể có 01 Chánh án là ông Lê Thanh Phong, các Phó Chánh án lần lượt là ông Đỗ Khắc Tuấn, bà Phạm Thị Thu Hà, ông Huỳnh Ngọc Ánh và bà Trịnh Ngọc Thuý.