Ly hôn, ai được quyền nuôi con?
Ly hôn? Ai được quyền nuôi con? Thông thường, đây là câu hỏi mà hầu hết các cặp vợ chồng khi có ý định ly hôn đặt ra. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho Quý khách những thông tin cơ bản của pháp luật liên quan tới vấn đề này.
Mục lục
Nghĩa vụ của bố mẹ khi ly hôn?
Sau khi ly hôn, bố mẹ phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chưa thành niên (dưới 18 tuổi) hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tất, mất năng lực hành vi dân sư hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để nuôi mình. Về nguyên tắc, việc nuôi con sau khi chấm dứt quan hệ hôn nhân có thể được vợ chồng thỏa thuận trước và được Tòa án ghi nhận trong bản án. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng để người còn lại chăm sóc, nuôi dưỡng con đến khi trưởng thành.
Trong trường hợp vợ chồng không thể thỏa thuận được với nhau về việc nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án sẽ xem xét và giao quyền nuôi con cho một trong hai bên vợ/chồng. Việc xem xét và ra phán quyết của Tòa án xem ai được quyền nuôi con. Phán quyết này căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con (kinh tế, giáo dục, chăm sóc, đạo đức….) nhằm hướng tới tương lai tốt đẹp của con. Do đó, một trong hai bên vợ/ chồng người nào có điều kiện tốt hơn để chăm sóc được trẻ sẽ giành được quyền nuôi con.
Phải xem xét ý kiến nguyện vọng của con mới xác định ai được nuôi con?
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ hỏi ý kiến, nguyện vọng của con để xem đứa trẻ mong muốn được ở với ai nếu bố mẹ không còn ở với nhau nữa. Quy định này cũng nhằm mục đích hướng tới quyền lợi của đứa trẻ vì đã đủ nhận biết về việc sống với ai sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, con dưới 36 tháng tuổi về nguyên tắc người mẹ sẽ được nuôi con, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Tuy nhiên, không hiếm những trường hợp cả cha, mẹ đều trốn tránh trách nhiệm nuôi con sau khi ly hôn. Do đó, việc phân chia con cũng gặp không ít khó khăn. Khi đó, Tòa án sẽ xem xét ai có điều kiện tốt hơn thì sẽ giao con cho người đó.
Sau khi ly hôn, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con vẫn có thể tiến hành nếu người nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con. Trường hợp này cần phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên. Vì lợi ích của con, theo yêu cầu của một hoặc cả hai bên, Toà án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người không trực tiếp nuôi con, sau xa hơn nhằm đảm bảo quyền lợi cho đứa trẻ, sau khi ly hôn cha, mẹ vẫn có quyền thăm nom con, có thể theo định kỳ hoặc thường xuyên theo thoả thuận của hai bên và không ai được phép cản trở quyền này. Đồng thời bên không trực tiếp nuôi cần cấp dưỡng cho đứa trẻ. Nếu người không nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người đang trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu toà án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy, việc ai sẽ được quyền nuôi con sau khi ly hôn luôn luôn căn cứ vào quyền lợi và tương lai của đứa trẻ. Không được chăm sóc bởi cả bố và mẹ đã là điều bất hạnh nên chúng cần được tạo dựng một môi trường sống tốt nhất nhằm có một tương lai tốt đẹp.