Ly hôn ai được quyền nuôi con?
Pháp luật hôn nhân gia đình có những quy định để bảo vệ quyền lợi của hai bên vợ chồng khi ly hôn. Bên cạnh đó, pháp luật cũng bảo vệ quyền lợi của trẻ em trong những mối quan hệ hôn nhân tan vỡ bằng cách quy định về quyền nuôi con và nghĩa vụ chăm sóc con cái sau ly hôn. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu vấn đề ly hôn ai được quyền nuôi con?
Mục lục
1. Ly hôn ai được quyền nuôi con theo quy định?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Điều này được hiểu, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con luôn tồn tại không phụ thuộc vào quan hệ hôn nhân của cha mẹ đã chấm dứt hay chưa. Ngay cả trong trường hợp cha mẹ ly hôn thì sau khi ly hôn, quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của cha mẹ vẫn không thay đổi.
Tòa án luôn dựa vào nguyên tắc thỏa thuận của hai vợ chồng để quyết định ai sẽ là người được nuôi con. Theo đó, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.
Trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con
Trường hợp con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Trường hợp con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Những tiêu chí ảnh hưởng trực tiếp đến việc giành quyền nuôi con khi ly hôn là:
- Về điều kiện kinh tế: Một trong hai người phải chứng minh mình có đủ điều kiện vật chất về thu nhập, tài sản, nơi ở ổn định… Để chứng minh được mình đáp ứng được những điều kiện giành quyền nuôi còn thì bạn cần cung cấp những giấy tờ sau: Hợp đồng lao động, bảng lương, các loại tài sản và bất động sản như nhà, đất;
- Về tinh thần: Phải chứng minh bản thân có đủ thời gian để ở bên con, chăm sóc, nuôi dưỡng con,dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, nhân cách đạo đức của cha mẹ…
2. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn
Sau khi ly hôn, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con vẫn có thể xảy ra nếu người bố người mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng con nhưng phải phù hợp với lợi ích của con hoặc người trực tiếp nuôi con đã không còn đủ điều kiện (điều kiện vật chất, điều kiện tinh thần) để tiếp tục trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng cho con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
Những trường hợp thay đổi như sau:
– Cha mẹ có thoả thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con;
– Người trực tiếp nuôi con lúc đầu không còn đáp ứng các điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Trường hợp này người muốn thay đổi phải chứng minh được việc người đang nuôi dưỡng không còn khả năng đáp ứng điều kiện nuôi dưỡng con cái.
Việc chứng minh bao gồm những điều kiện như sau:
- Thu nhập không còn đáp ứng, quá thấp hoặc thất nghiệp;
- Mắc những căn bệnh mà không còn đủ điều kiện sức khoẻ để nuôi con;
- Môi trường làm việc phức tạp, thường xuyên làm việc khuya, hay đi công tác dài ngày dẫn đến việc không có thời gian để nuôi dạy con cái.
Tuy nhiên việc thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng cũng phải chú ý những vấn đề dưới đây:
- Khi thay đổi người sẽ trực tiếp nuôi dưỡng cho con thì phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên;
- Nếu cả người bố và người mẹ đều không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi dưỡng cho con thì Tòa án sẽ phải quyết định giao con cho người giám hộ chăm sóc, nuôi dưỡng.