Ly hôn khi có 2 con nhỏ dưới 3 tuổi, ai được quyền nuôi con?
Ly hôn khi có 2 con nhỏ dưới 3 tuổi thì ai được quyền nuôi? Tranh chấp này sẽ được giải quyết tại Tòa án khi tiến hành thủ tục ly hôn . Hiện nay, pháp luật đã có những quy định ưu tiên sự thỏa thuận giữa hai người về những vấn đề này. Tuy nhiên, trường hợp giành quyền nuôi con trên thực tế rất khó để thỏa thuận. Bởi lẽ, các bên đều mong muốn con cái sẽ là tài sản vô giá thuộc sở hữu của mình.
Mục lục
Quyền nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi sau ly hôn
Về việc xác định quyền nuôi con khi ly hôn sẽ được căn cứ theo Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cụ thể như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Theo đó, pháp luật ưu tiên hai người tự thỏa thuận với nhau về vấn đề con cái. Trong trường hợp có 02 con, vợ, chồng có thể chia mỗi người một đứa. Tuy nhiên, nếu không thỏa thuận được, Tòa án sẽ chia con dựa vào căn cứ sau đây:
Trường hợp 1: Căn cứ vào độ tuổi con
Với trường hợp này, khi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, tức là dưới 3 tuổi, người mẹ sẽ được trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không thể đáp ứng được điều kiện tốt nhất cho con. Như vậy, dù ly hôn khi có 2 con nhỏ nhưng dưới 3 tuổi thì việc giành quyền nuôi con nhỏ trực tiếp vẫn thuộc về người mẹ.
Trường hợp 2: Phải căn cứ vào quyền lợi của con
Để xác định điều kiện có lợi cho con, Tòa án sẽ căn cứ vào những tiêu chí cụ thể của hai vợ chồng như sau:
- Điều kiện về kinh tế.
- Điều kiện về tư cách, phẩm chất đạo đức.
- Điều kiện về thời gian nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái.
Như vậy, nếu con dưới 3 tuổi, nhưng người mẹ không có những điều kiện nêu trên, thì quyền nuôi con nhỏ trực tiếp sẽ thuộc về người cha. Đồng thời, Tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố khác như hoàn cảnh công tác, cách đối xử của cha mẹ trước đó trong gia đình để tạo dựng môi trường sống tốt nhất cho con.
Ly hôn khi có 2 con nhỏ dưới 3 tuổi, cần chuẩn bị hồ sơ thế nào?
Đơn phương ly hôn hay thuận tình ly hôn về cơ bản việc chuẩn bị hồ sơ sẽ có điểm tương đồng như nhau. Do đó, để góp phần thuận lợi hóa thủ tục này, cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:
- Đơn xin ly hôn.
- Giấy Chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính).
- Giấy Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân của vợ chồng.
- Giấy khai sinh của các con (bản sao có chứng thực).
- Sổ hộ khẩu (bản sao chứng thực).
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (bản sao chứng thực).
Trong trường hợp không còn Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản chính, vợ chồng có thể liên hệ đến Cơ quan hộ tịch nơi đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao. Nếu không có giấy tờ chứng thực như Chứng minh nhân dân (Căn cước công dân) hoặc hộ chiếu thì có thể thay thế bằng loại giấy tờ khác theo hướng dân của Tòa án.
Nộp hồ sơ ly hôn trong trường hợp con dưới 3 tuổi ở đâu?
Sau khi chuẩn bị hồ sơ, vợ, chồng hoặc cả hai sẽ nộp đến Tòa án có thẩm quyền để được xét duyệt, thụ lý giải quyết. Theo đó, tại Điều 35 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện sẽ có thẩm quyền giải quyết thủ tục ly hôn cấp sơ thẩm. Theo đó, đối với trường hợp thuận tình ly hôn, vợ chồng có thể đến Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc chồng để làm thủ tục.
Trong trường hợp đơn phương ly hôn, thẩm quyền sẽ thuộc về Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc căn cứ theo Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Ngoài ra, cần lưu ý, việc ly hôn sẽ không được uỷ quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 85 của Luật này.