Ly hôn thuận tình hiểu như thế nào?
Ly hôn vốn là hiện tượng xã hội bị tác động và chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Nó cũng phần nào phản ánh được nguyên tắc hôn nhân tự nguyện, tiến bộ của pháp luật Việt Nam. Bởi vì đây là cách thức giải phóng phù hợp và cần thiết cho những mâu thuẫn trong hôn nhân. Nhưng không phải vì vậy mà pháp luật lại khuyến khích cho ly hôn. Có chăng đó là sự ly hôn thuận tình giữa vợ và chồng khi có những khủng hoảng không thể hoá giải.
Mục lục
Ly hôn là gì và căn cứ ly hôn
Ly hôn là điều mà không một ai mong muốn khi bắt đầu mối quan hệ hôn nhân. Tuy nhiên vì nhiều lý do, ly hôn là cách tốt nhất để mỗi người có hướng đi mới cho mình. Trước tiên, cùng tìm hiểu khái niệm ly hôn trong pháp lý cũng như căn cứ ly hôn ngay sau đây.
Ly hôn là gì?
Dưới góc độ pháp luật, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân khi hai bên chủ thể vẫn còn sống. Việc chấm dứt này có thể là do yêu cầu của một bên hoặc do cả hai bên thuận tình. Quan hệ hôn nhân đó sẽ chấm dứt khi được Toà án công nhận bằng bản án hoặc quyết định thuận tình ly hôn.
Khoản 14 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình 2014 cũng có định nghĩa cụ thể về khái niệm này. Theo đó ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Như vậy chấm dứt hôn nhân là kết quả hành vi ý chí của một hoặc hai bên vợ chồng. Kết quả đó thể hiện thông qua quyết định có hiệu lực chính thức của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài vợ chồng ra thì không có bất kỳ chủ thể nào có quyền yêu cầu chấm dứt hôn nhân.
Căn cứ ly hôn
Pháp luật có quy định về những điều kiện để được quyền yêu cầu ly hôn. Vợ chồng sẽ căn cứ vào đó để đưa ra đề xuất xin ly hôn. Đồng thời Toà án cũng căn cứ vào các điều kiện này trong quá trình giải quyết việc ly hôn. Những căn cứ này được xây dựng trên cơ sở của quan điểm tiến bộ về hôn nhân.
Ngoài ra, dựa vào nhóm căn cứ này có thể phân loại ly hôn thành hai trường hợp chính:
– Ly hôn thuận tình
– Đơn phương ly hôn
Ở mỗi trường hợp thì thủ tục, trình tự thực hiện hay quy trình tố tụng đều có khác biệt. Tuy nhiên bản chất thực sự của những căn cứ pháp luật này chính là mục đích của hôn nhân không còn đạt được. Mối quan hệ vợ chồng không thể tiếp tục hàn gắn nên Toà án sẽ dựa vào đó để đưa ra phán quyết.
Quy định về ly hôn thuận tình
Như đã nói, thuận tình ly hôn là một trong những trường hợp chính của việc ly hôn. Đó là khi vợ chồng cùng yêu cầu Toà án giải quyết cho ly hôn và chấm dứt hôn nhân. Về bản chất cơ sở của trường hợp này chính là việc cả hai vợ chồng cùng có đơn xin ly hôn.
Điều 55 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng có quy định về phương thức ly hôn này. Theo đó trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.