Ly hôn với người mất tích như thế nào?
Pháp luật HNGĐ gần đây tiếp nhận nhiều vụ việc yêu cầu giải quyết ly hôn với người mất tích, Vậy trình tự, thủ tục, và thực trạng giải quyết thường gặp phải khó khăn hay vướng mắc gì?
Lý do phụ nữ hạnh phúc hơn đàn ông sau ly hôn
Những điều phụ nữ cần biết về ly hôn
Những bài học kinh nghiệm từ hôn nhân của thế hệ trước
Bằng nhiều lý do, khách quan hay chủ quan thì sự việc vợ hoặc chồng đang sống chung bình thường đột nhiên mất tích là không hề hiếm gặp. Có thể do mâu thuẫn gia đình, tình cảm rạn nứt, kinh tế khó khăn…một trong hai bên đã lựa chọn việc tìm cho mình một hướng đi khác mà không để lại lời từ biệt…từ đó nhiều hệ quả pháp lý phát sinh liên quan đến quan hệ nhân thân, tài sản, đặc biệt quan hệ hôn nhân của chính người mất tích được đặt ra và yêu cầu ly hôn với người mất tích là yêu cầu bức thiết và chính đáng nhất để người còn lại có thể bắt đầu cuộc hôn nhân có tương lai sau này.
Trải qua một khoảng thời gian nhất định không có tin tức của đối phương, người vợ hoặc chồng của người mất tích có nhu cầu ly hôn với người mất tích cần phải thông qua Tòa án để được yêu cầu giải quyết việc dân sự “yêu cầu tuyên bố một người mất tích”
Trước đây việc dân sự tuyên bố người mất tích và xin ly hôn với người mất tích được gộp chung vào một vụ án, tuy nhiên theo quy định của pháp luật hiện hành thì phải tách ra làm hai thủ tục riêng biệt. Mặc dù tách làm 2 thủ tục rõ ràng cụ thể, xong cũng chính vì thế lại có nhiều khó khăn cho đương sự bởi không phải ai cũng có điều kiện, hoặc làm đúng, làm đủ theo quy định đó.
Theo quy định tại Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì một trong hai bên là vợ hoặc chồng biệt tích từ sáu tháng trở lên thì người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Toà án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Nếu không có tin tức gì từ hai năm liền trở lên sau khi tìm kiếm thì theo Khoản 1 Điều 78 Bộ luật Dân sự năm 2005 người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án có thể tuyên bố người đó mất tích. Kể từ khi có quyết định tuyên bố một người mất tích, vợ hoặc chồng của người đó có thể xin ly hôn với người mất tích và Tòa án sẽ giải quyết theo đúng thủ tục, thẩm quyền.
Vấn đề vướng mắc các đương sự gặp phải thường là vấn đề thời gian và chi phí mà đương sự phải tự chi trả. Với quy định cũ nêu tại Nghị quyết số 03/HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì sau khi nhận được đơn khởi kiện của đương sự, Tòa án yêu cầu đương sự đến cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của tỉnh và trung ương nhắn tin tìm người vắng mặt và lấy giấy xác nhận của cơ quan đó về việc đã nhắn tin tìm người vắng mặt nộp cho Tòa án để Tòa án thụ lý vụ án. Trong đó không quy định cụ thể cần phải đăng báo hoặc phát sóng thông báo tìm người vắng mặt trên đài, báo là bao nhiêu lần. Do vậy, thực tiễn giải quyết vụ án này trong những năm qua thường là Tòa án chỉ gửi thông báo tìm người vắng mặt cho cơ quan báo chí đăng báo hoặc đài phát thanh phát sóng một lần. Việc này khiến chi phí bỏ ra là không đáng kể và thời gian cũng không kéo dài.
Còn hiện nay quy định mới nêu rõ sau khi thụ lý Tòa án sẽ ra quyết định thông báo tìm người mất tích trên báo hàng ngày của trung ương trong 3 số liên tiếp và phát sóng trên Đài Phát thanh hoặc Đài Truyền hình của Trung ương 3 lần trong 3 ngày liên tiếp. Chi phí cho việc đăng, phát thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú do người yêu cầu chịu. Qua đó có thể thấy thời gian và chi phí để giải quyết vấn đề này hiện nay là không hề nhỏ.