Mất bao lâu để có giấy chứng nhận ly hôn?
Trong cuộc sống, không ai muốn phải đối diện với việc ly hôn, nhưng khi tình huống đó xảy ra, một trong những câu hỏi quan trọng là: “Mất bao lâu để có giấy chứng nhận ly hôn?” Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá quy trình, thời gian và những yếu tố ảnh hưởng đến việc thu được giấy chứng nhận ly hôn. Hi vọng rằng thông tin này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về quá trình ly hôn, từ đó có thể chuẩn bị tốt nếu muốn ly hôn.
Mục lục
1 . Giấy chứng nhận ly hôn là gì?
Căn cứ khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Theo đó khi có bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa (gọi tắt là Quyết định ly hôn) thì việc ly hôn của vợ, chồng mới hoàn toàn chấm dứt và được pháp luật công nhận. Pháp luật không có thuật ngữ giấy chứng nhận ly hôn mà đó chỉ là cách gọi dân dã của đại bộ phận người dân.
2. Thời gian cấp giấy chứng nhận ly hôn theo quy định?
Thời gian cấp giấy chứng nhận ly hôn được quy định như sau:
2.1 Trường hợp ly hôn thuận tình
Trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành thì Thẩm phán ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự theo quy định tại Điều 212 của Bộ luật này khi có đầy đủ các điều kiện được quy định tại khoản 4 Điều 397 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể:
- Hai bên thực sự tự nguyện ly hôn;
- Hai bên đã thỏa thuận được với nhau về việc chia hoặc không chia tài sản chung, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con;
- Sự thỏa thuận phải bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ, con.
Và khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Điều 212. Ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
1. Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.”
Căn cứ quy định nêu trên trong thời hạn 12 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản hòa giải, Tòa án sẽ gửi quyết định thuận tình ly hôn cho vợ, chồng.
2.2 Trường hợp ly hôn đơn phương
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 269 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Điều 269. Cấp trích lục bản án; giao, gửi bản án
1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.”
Theo đó sau khi kết thúc phiên tòa, trong thời gian 03 ngày, Tòa án sẽ cấp trích lục bản án cho vợ, chồng ly hôn đơn phương. Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án sẽ giao và gửi bản án cho vợ, chồng.
3. Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận ly hôn
Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận ly hôn gồm các giai đoạn sau:
Bước 1: Người xin cấp giấy chứng nhận ly hôn chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ xin cấp giấy xác nhận ly hôn bao gồm:
- Mẫu đơn xin sao lục bản án, quyết định. Điền các thông tin cũng như nhu cầu cần thực hiện vào mẫu đơn.
- Bản sao căn cước công dân/chứng minh nhân dân để xác định về thông tin của cá nhân.
Bước 2: Người xin cấp giấy chứng nhận ly hôn đem hồ sơ đã chuẩn bị nộp tại trụ sở tòa án nhân dân nơi tiến hành giải quyết việc ly hôn. Đây là cơ quan thực hiện chính việc lưu trữ các thông tin đối với vụ việc và giấy tờ giải quyết.
Bước 3: Trong thời hạn 7 ngày làm việc, tòa án xét thấy hồ sơ hợp lệ sẽ cung cấp bản trích lục bản án, phán quyết ly hôn cho người xin cấp lại trích lục bản án, quyết định. Cá nhân có thể đến lấy trực tiếp tại trụ sở hoặc nhận thông qua các hình thức chuyển phát theo yêu cầu.
Xem thêm: Thủ tục ly hôn cần những gì?
Tóm lại, việc mất bao lâu để có giấy chứng nhận ly hôn là một quá trình phức tạp và thay đổi tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Luật pháp và thủ tục liên quan có thể khác nhau ở từng quốc gia hoặc khu vực. Để tối ưu hóa quá trình ly hôn và giảm thiểu thời gian chờ đợi, việc tìm đến sự tư vấn từ luật sư hoặc chuyên gia pháp lý là rất quan trọng.Phan Law Vietnam luôn sẵn sàng lắng nghe và tư vấn cho các Quý khách hàng.