Mẫu đơn kháng cáo ly hôn và thủ tục theo quy định pháp luật mới nhất
Việc đối mặt với một bản án ly hôn không mong muốn có thể gây ra nhiều lo lắng và khó khăn. Tuy nhiên, pháp luật cho phép bạn kháng cáo để tiếp tục tìm kiếm sự công bằng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu mẫu đơn kháng cáo ly hôn và hướng dẫn thủ tục kháng cáo theo quy định pháp luật mới nhất, giúp bạn hiểu rõ hơn về quyền của mình trong tình huống này.
Mục lục
1. Mẫu đơn kháng cáo ly hôn mới nhất
Mẫu đơn kháng cáo ly hôn, được gọi là Mẫu số 54 – DS, theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP, là tài liệu quan trọng cần phải có trong quá trình thủ tục kháng cáo ly hôn. Để viết đơn kháng cáo này đúng quy định pháp luật, bạn cần bao gồm các thông tin cụ thể như sau:
- Ngày, tháng, năm khi bạn làm đơn kháng cáo.
- Thông tin cá nhân của người kháng cáo, bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại, số fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
- Trình bày lý do tại sao bạn muốn kháng cáo và những nội dung cụ thể bạn muốn kháng cáo là gì.
- Cuối đơn nhớ ký tên hoặc ghi điểm chỉ của người kháng cáo.
2. Hướng dẫn làm mẫu đơn kháng cáo ly hôn và lưu ý
Hướng dẫn khách hàng làm mẫu đơn kháng cáo và cần chú ý những lưu ý như sau:
2.1. Phần người kháng cáo
Phần này tưởng như đơn giản nhưng cần lưu ý ở chỗ người kháng cáo có tư cách kháng cáo hay không. Căn cứ vào Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, người có quyền kháng cáo là đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo. Như vậy nếu không phải những đối tượng được pháp luật cho phép nêu trên làm và ký đơn kháng cáo thì Tòa án sẽ không thụ lý giải quyết.
Cũng như các mẫu đơn khác, thông tin nhân thân của người kháng cáo cần được ghi đúng, đủ theo giấy tờ tùy thân như căn cước công dân, hộ chiếu.
2.2. Phần nội dung, yêu cầu kháng cáo
Trong mẫu đơn kháng cáo ly hôn, phần quan trọng nhất cần dành nhiều thời gian nhất để viết là nội dung kháng cáo và yêu cầu kháng cáo.
Trong nội dung kháng cáo, quý vị phải trình bày nguyên nhân kháng cáo là gì. Phần này quan trọng vì thuyết phục được Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại vụ việc ở giai đoạn phúc thẩm có lợi cho người kháng cáo hay không. Để thuyết phục, người kháng cáo cần nêu quan điểm và lập luận chứng minh cho quan điểm của mình một cách rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu. Chủ yếu tập trung 2 nội dung sau:
- Những nội dung trong Bản án sơ thẩm mà người kháng cáo không đồng tình là gì?
- Giải thích nguyên nhân vì sao không đồng tình?
Phần nội dung kháng cáo sẽ được chốt lại bằng phần yêu cầu kháng cáo. Yêu cầu kháng cáo phải được nêu cụ thể, rõ ràng, có tính khẳng định, ví dụ như sau:
- Trường hợp bạn muốn kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm/Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thì bạn nên viết kết lại yêu cầu kháng cáo của mình như sau: “Tôi kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm số….ngày…..của Tòa án nhân dân …. Tôi kính đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm là Tòa án nhân dân … xem xét hủy bản án sơ thẩm và giải quyết cho tôi những nội dung sau:…..”;
- Trường hợp bạn muốn kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm/Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thì bạn có thể viết như sau: “Tôi kháng cáo một phần bản án sơ thẩm số….ngày…..của Tòa án nhân dân ….liên quan đến nội dung …. Tôi kính đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm là Tòa án nhân dân … xem xét hủy một phần bản án cấp sơ thẩm liên quan đến nội dung….theo hướng như sau:….
2.3. Gửi đơn kháng cáo đến đâu?
Thẩm quyền giải quyết kháng cáo thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án nhân dân cấp cao nếu giai đoạn sơ thẩm của vụ án do Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Tuy nhiên, các bạn lưu ý rằng phải gửi đơn kháng cáo đến Tòa án giải quyết sơ thẩm vụ án. Sau đó, Tòa này sẽ có nghĩa vụ gửi đơn kháng cáo của bạn đến Tòa án cấp phúc thẩm để thụ lý giải quyết. Ghi nhớ vấn đề này để tránh trường hợp lãng phí thời gian.
3. Hồ sơ, thời hạn kháng cáo
Hồ sơ và thời hạn kháng cáo được quy định như sau:
3.1. Hồ sơ kháng cáo ly hôn
Bên cạnh chuẩn bị mẫu đơn kháng cáo ly hôn, các bạn cần chuẩn bị thêm những tài liệu sau để nộp kèm mẫu đơn kháng cáo ly hôn đến Tòa án có thẩm quyền.
- Bản sao công chứng Bản án sơ thẩm/Quyết định Tòa án ở cấp sơ thẩm.
- Bản sao công chứng giấy tờ tùy thân của người kháng cáo.
3.2. Thời hạn kháng cáo
Theo quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án ly hôn của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với trường hợp đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo 15 ngày được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Các bạn cần đặc biệt lưu ý thời hạn này để nộp đơn kháng cáo đúng thời hạn luật định. Nếu quá hạn sẽ mất quyền kháng cáo.
Bài viết đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về mẫu đơn kháng cáo ly hôn và những điều cần lưu ý quan trọng khi tiến hành thủ tục này. Chúng tôi tin rằng thông tin chi tiết và hữu ích này sẽ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về mẫu đơn và quy trình kháng cáo ly hôn. Phan Law Vietnam chúng tôi với sự uy tín và kinh nghiệm đã được khẳng định trong nhiều năm qua luôn sẵn sàng đồng hành và tư vấn chuyên sâu để giúp bạn giải quyết mọi vấn đề liên quan đến lĩnh vực pháp luật. Chúng tôi cam kết mang lại sự hỗ trợ toàn diện và giải pháp phù hợp nhất cho từng trường hợp cụ thể của bạn.