Một số vấn đề về điều kiện nuôi con nuôi
TS. NGUYỄN PHƯƠNG LAN – Khoa Luật dân sự, Đại học Luật Hà Nội
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có quy định về điều kiện nuôi con nuôi. Tuy nhiên có thể thấy, quy định về điều kiện nuôi con nuôi chưa có sự thống nhất trong các văn bản pháp luật, chưa rõ ràng, còn quá đơn giản, chưa phản ánh và phù hợp với bản chất của quan hệ cho – nhận con nuôi. Trong bài viết này chúng tôi muốn trao đổi một số ý kiền về việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn các quy định về điều kiện nuôi con nuôi, nhằm đảm bảo việc nuôi con nuôi đúng với bản chất của nó.
Trước hết cần nhận thức rằng, việc cho – nhận trẻ em làm con nuôi chỉ thực sự cần thiết và vì lợi ích của trẻ em được cho làm con nuôi khi trẻ em đó không thể được nuôi dưỡng, chăm sóc trong gia đình ruột thịt của mình vì những lý do nhất định. Chỉ khi đó việc cho – nhận trẻ em làm con nuôi mới phù hợp với quyền của trẻ em được sống trong gia đình, phù hợp với nguyên tắc: “Trẻ em không bị buộc cách ly khỏi cha mẹ trái với ý muốn của cha mẹ, trừ trường hợp một sự cách ly như thế là cần thiết cho lợi ích tốt nhất của trẻ em”(1). Ngay cả trong trường hợp phải cách ly khỏi cha mẹ thì ý muốn của trẻ em cũng phải được quan tâm trước tiên khi trẻ em có khả năng thể hiện ý chí của mình, Vì vậy, việc đưa trẻ em ra khỏi gia đình ruột thịt của mình để làm con nuôi người khác chỉ có thể xuất phát từ lợi ích của chính trẻ em. Do đó, quy định về các điều kiện của việc cho – nhận con nuôi phải xuất phát từ nguyên tắc cơ bản này.
Xuất phát từ bản chất của việc cho – nhận con nuôi là xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và trẻ em được nhận làm con nuôi nên việc nuôi con nuôi phải đáp ứng được các điều kiện nhất định do pháp luật quy định. Các điều kiện đó vừa phải đảm bảo việc cho – nhận con nuôi là vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, đồng thời đảm bảo tạo ra môi trường gia đình tốt nhất cho việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em được nhận làm con nuôi. Do đó, các điều kiện cho – nhận con nuôi cần được xem xét từ các góc độ sau:
1. Điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi
Theo pháp luật hiện hành, điều kiện của người được nhận làm con nuôi chỉ bị ràng buộc bởi độ tuổi. Theo quy định tại Điều 68 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, người được nhận làm con nuôi là người từ 15 tuổi trở xuống, trừ trường hợp con nuôi là người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi của người già yếu cô đơn. Tuy nhiên pháp luật không quy định độ tuổi tối đa của người làm con nuôi trong những trường hợp này. Có thể thấy, quy định này mặc dù phản ánh truyền thống đạo đức của dân tộc nhưng có phần không phù hợp với thực tế, với bản chất của việc nuôi con nuôi. Việc nuôi con nuôi trước hết hướng tới đối tượng là trẻ em không được nuôi dưỡng, chăm sóc trong gia đình ruột thịt nên việc nuôi con nuôi là vì lợi ích của trẻ em được nhận nuôi. Với quy định người trên 15 tuổi cũng có thể được nhận làm con nuôi mà không giới hạn độ tuổi tối đa là quá mở rộng diện những người có thể được nhận làm con nuôi. Điều đó không phù hợp với thực tế đời sống nên không có tính khả thi.
Mặt khác, việc chỉ quy định độ tuổi mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào khác của người được cho làm con nuôi đã dẫn đến nhận thức rằng mọi trẻ em từ 15 tuổi trở xuống đều có thể được cho làm con nuôi. Điều này là không phù hợp với bản chất của việc cho – nhận con nuôi là chỉ cho trẻ em làm con nuôi khi trẻ em đó không thể được chăm sóc, nuôi dưỡng trong gia đình ruột thịt. Do đó, với quy định này đã dẫn đến hiện tượng lợi dụng việc cho – nhận con nuôi nhằm những mục đích trục lợi khác, mà không nhằm xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi. Ví dụ, việc cho trẻ em làm con nuôi của người thương binh, người có công với cách mạng để được hưởng các chế độ đãi ngộ của nhà nước dành cho thân nhân của các đối tượng này, nhưng trẻ em được nhận nuôi vẫn sống ở nhà cha mẹ đẻ, quan hệ cha mẹ và con không được xác lập, thực hiện trên thực tế giữa người nhận nuôi và trẻ em được nhận nuôi… Để khắc phục hiện tượng này, Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 và Thông tư số 08/2006/TT-BTP ngày 8/12/2006 đã quy định rõ hơn về điều kiện của trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài. Theo quy định tại các văn bản này, thì trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, trẻ em bị tàn tật, khuyết tật, mất năng lực hành vi dân sự, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ em mắc các bệnh hiểm nghèo khác đang sống tại các cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp hoặc sống tại gia đình. Trong trường hợp trẻ em đang sống tại gia đình mà có quan hệ họ hàng với người xin nhận con nuôi thì chỉ giải quyết cho làm con nuôi của cô, cậu, dì, chú, bác (bên nội hoặc bên ngoại) ở nước ngoài, “nếu trẻ em đó bị mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị mồ côi mẹ hoặc cha, còn người kia không có khả năng lao động và không có điều kiện để nuôi dưỡng trẻ em đó; trường hợp trẻ em còn cha, mẹ nhưng cả cha và mẹ đều không có khả năng lao động và không có điều kiện để nuôi dưỡng trẻ em đó, thì trẻ em cũng được giải quyết cho làm con nuôi. Trong trường hợp trẻ em tuy có quan hệ họ hàng với người xin nhận con nuôi, nhưng trẻ em đó còn cả cha và mẹ, sức khoẻ của trẻ em và của cha mẹ bình thường, cha mẹ vẫn có khả năng lao động và có điều kiện để bảo đảm chăm sóc con mình tại Việt Nam, thì không giải quyết cho làm con nuôi ở nước ngoài”(2). Có thể thấy, quy định như vậy là cần thiết và phù hợp với bản chất của việc nuôi con nuôi, tuy nhiên điều kiện đó không chỉ đặt ra trong quan hệ nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, mà cần được coi là một điều kiện chung đối với người được nhận nuôi. Pháp luật của các nước như Trung Quốc, Philippin… bên cạnh độ tuổi, đều quy định những điều kiện cụ thể về hoàn cảnh của trẻ em có thể được cho làm con nuôi, chỉ khi đó việc cho trẻ em đó làm con nuôi mới thực sự cần thiết và vì lợi ích tốt nhất của trẻ em(3). Ví dụ: pháp luật Trung Quốc quy định: trẻ em dưới 14 tuổi bị mồ côi, bị bỏ rơi, trẻ trong gia đình khó khăn không có khả năng nuôi dưỡng có thể được cho làm con nuôi (Điều 4 Luật nuôi con nuôi của nước CHND Trung Hoa ngày 4/11/1998, có hiệu lực từ ngày 1/4/1999).
Do vậy, theo chúng tôi, ngoài quy định về tuổi, pháp luật cần quy định về hoàn cảnh cụ thể của trẻ em được cho làm con nuôi. Trẻ em được cho làm con nuôi là những trẻ em từ 15 tuổi trở xuống có hoàn cảnh sau:
– Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em năm 2004;
– Trẻ em tuy còn cha mẹ nhưng cha mẹ không có khả năng nuôi dưỡng do bị mất năng lực hành vi dân sự, bị bệnh hiểm nghèo, không có khả năng lao động và kinh tế…
– Trẻ em bị cha mẹ đẻ đối xử tàn tệ, bị bỏ mặc hoặc bị cha mẹ hành hạ, ngược đãi, xúc phạm nghiêm trọng đến thân thể, nhân phẩm một cách thường xuyên, có hệ thống, gây nguy hiểm cho trẻ, nếu trẻ vẫn tiếp tục sống cùng cha mẹ đẻ.
2. Điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi
Điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi được quy định tại Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình. Các điều kiện đó phần nào thể hiện được những yêu cầu cần phải có của người nhận nuôi con nuôi, song các quy định này chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, cần được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hơn. Theo chúng tôi, những nội dung cần được sửa đổi, bổ sung về điều kiện của người nhận nuôi con nuôi là:
– Độ tuổi của người nuôi: Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 chỉ quy định người nhận nuôi phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên. Theo chúng tôi quy định như vậy là chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với mục đích của việc nuôi con nuôi. Quan hệ cha mẹ và con trong việc nuôi con nuôi không gắn với quy luật tự nhiên về mặt sinh học, mà nó được hình thành trên cơ sở ý chí, tình cảm của các bên. Để phù hợp với thực chất của quan hệ nuôi con nuôi, để việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và con nuôi có cơ sở, cần quy định độ tuổi tối thiểu của người nhận nuôi con nuôi kết hợp với quy định về khoảng cách tuổi giữa hai bên.
Quy định về độ tuổi tối thiểu của người nhận nuôi phải căn cứ vào bản chất của việc nuôi con nuôi là hình thành quan hệ cha mẹ và con hợp pháp giữa hai bên, do đó tuổi của người nuôi phải tương xứng, phù hợp với tuổi có thể làm cha mẹ về mặt sinh học. Đồng thời, người nhận nuôi phải đạt tới một độ tuổi tối thiểu nhất định thì mới có được kinh nghiệm, hiểu biết, điều kiện kinh tế phù hợp và quan trọng nhất là nhận thức rõ về nhu cầu nhận nuôi con nuôi của mình. Do đó, cần quy định độ tuổi tối thiểu của người nuôi một cách rõ ràng, cụ thể hơn, và có thể quy định độ tuổi đó là từ 25 tuổi trở lên, kết hợp với khoảng cách tuổi tối thiểu giữa người nuôi và con nuôi là 20 tuổi. Pháp luật của các nước, bên cạnh quy định về khoảng cách tuổi tối thiểu giữa người nhận nuôi và con nuôi, đều quy định độ tuổi tối thiểu của người nhận nuôi con nuôi. Pháp luật ở nước ta trước đây cũng đã quy định về độ tuổi tối thiểu này(4).
Song mặt khác, việc quy định giới hạn tuổi tối đa của cha mẹ nuôi cũng có ý nghĩa không nhỏ. Việc nhận nuôi con nuôi là nhằm đem lại một gia đình cho đứa trẻ, gia đình đó càng giống, càng tương hợp với gia đình tự nhiên của trẻ thì càng tốt, vì vậy “sẽ không hợp với tự nhiên chút nào nếu trẻ ở với các cặp vợ chồng đã quá tuổi sinh nở” (5). Hơn nữa, khi tuổi đã quá cao thì khả năng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi sẽ giảm dần theo tuổi tác và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của trẻ được nhận nuôi. Vì vậy, để phù hợp với bản chất của việc nuôi con nuôi và có tính khả thi, pháp luật nên quy định hạn chế tuổi tối đa của người nhận nuôi con nuôi, chẳng hạn người nhận nuôi con nuôi là người không quá 60 tuổi.
– Cần quy định cụ thể các điều kiện thực tế của người nhận nuôi con nuôi là gì để có cơ sở thống nhất khi xem xét công nhận việc nuôi con nuôi. Cần quy định rõ những người mắc các bệnh hiểm nghèo có nguy cơ cao lây nhiễm sang người khác như nhiễm HIV/AIDS, các bệnh viêm gan, lao… có được nhận nuôi con nuôi hay không? Xét về lợi ích lâu dài của trẻ em được nhận nuôi thì theo chúng tôi, pháp luật cần quy định những người mắc các bệnh trên không được nhận nuôi con nuôi để đảm bảo sức khỏe của trẻ em, vì trẻ em không có khả năng để tự bảo vệ mình. Pháp luật của một số nước như Trung Quốc cũng quy định cấm người mắc một số bệnh nguy hiểm không được nhận nuôi con nuôi (Điều 6 Luật nuôi con nuôi của nước CHND Trung Hoa).
– Về tư cách đạo đức của người nhận nuôi con nuôi: Quy định người nhận nuôi con nuôi phải có tư cách đạo đức tốt là một quy định rất chung chung, khó xác định, do đó nên gộp chung với quy định tại khoản 5 Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Tuy nhiên khoản 5 Điều 69 chưa rõ ràng, còn quy định chung chung giữa nhóm những hành vi phạm tội với những hành vi khác. Sự diễn đạt đó có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau khi áp dụng pháp luật. Bên cạnh đó, để tránh khả năng lạm dụng, bóc lột sức lao động của con nuôi, cần quy định những người đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em (Điều 228 BLHS năm 1999) cũng không được nhận nuôi con nuôi. Do đó, theo chúng tôi, quy định này cần sửa lại như sau: Không phải là người có hành vi xúi giục, ép buộc trẻ em làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội; không phải là người đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc bị kết án mà chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người khác; tội ngược đãi hoặc hành hạ ông, bà, cha, mẹ, người có công nuôi dưỡng mình; tội mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; các tội xâm phạm tình dục đối với trẻ em; tội vi phạm quy định về sử dụng lao động trẻ em.
– Đối với người nhận nuôi là người đang có vợ hoặc có chồng: Trong trường hợp người nhận nuôi đang có vợ hoặc có chồng, pháp luật cần có quy định cụ thể về một số khía cạnh sau:
Thứ nhất, nên quy định người đang có vợ, có chồng được nhận nuôi con nuôi, nếu cả hai người cùng đồng ý nhận nuôi con nuôi chung, mà không nên cho phép người đang có vợ, có chồng nhận nuôi con nuôi riêng, trừ trường hợp nhận con riêng của chính chồng hoặc vợ mình làm con nuôi. Điều này tạo điều kiện hình thành một gia đình trọn vẹn, tự nhiên giống như gia đinh huyết thống của trẻ, để trẻ có môi trường thuận lợi trong quá trình hình thành tình cảm với cha mẹ nuôi, phát triển thể chất và nhân cách. Quy định như vậy còn đảm bảo tính khả thi của điều luật.
Thứ hai, khi cả hai vợ chồng cùng nhận nuôi con nuôi thì cả hai người đều phải đáp ứng các điều kiện của việc nuôi con nuôi, trừ trường hợp vợ hoặc chồng nhận con riêng của người kia làm con nuôi thì không bắt buộc phải đủ khoảng cách tuổi tối thiểu giữa người nhận nuôi và con nuôi (20 tuổi), mà chỉ cần đáp ứng điều kiện đủ tuổi tối thiểu.
3. Sự thể hiện ý chí của các bên có liên quan
Sự thể hiện ý chí của các chủ thể có liên quan trong việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi có ý nghĩa quan trọng. Về vấn đề này, theo chúng tôi cần có sự quy định chặt chẽ, cụ thể hơn ở những khía cạnh sau:
Thứ nhất, cha mẹ đẻ cần thể hiện ý chí rõ ràng về việc cho con làm con nuôi theo hình thức nào, đơn giản hay đầy đủ, tức là cha mẹ đẻ phải xác định rõ việc cho con làm con nuôi có dẫn đến chấm dứt hoàn toàn các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa cha mẹ đẻ và đứa con được cho làm con nuôi hay không. Đây là yếu tố có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xác định hình thức nuôi con nuôi, hậu quả pháp lý của việc nuôi con nuôi theo pháp luật của nước nhận trong trường hợp trẻ em được cho làm con nuôi nước ngoài. Vì vậy, việc quy định rõ ràng trong pháp luật Việt Nam về các hình thức nuôi con nuôi và hậu quả pháp lý của nó là rất cần thiết.
Thứ hai, theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch: “trong trường hợp một bên cha hoặc mẹ đẻ đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì chỉ cần chữ ký của người kia; nếu cả cha và mẹ đẻ đều đã chết, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, thì người hoặc tổ chức giám hộ trẻ em ký Giấy thoả thuận” theo chúng tôi là chưa chính xác. Bởi vì trong trường hợp cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc cả hai người bị “hạn chế năng lực hành vi dân sự” theo quy định của Bộ luật Dân sự, thì họ vẫn có quyền và vẫn có khả năng thể hiện ý chí tự nguyện của mình về việc cho con mình làm con nuôi người khác. Đó là quyền nhân thân độc lập của cha mẹ đẻ, không thể chuyển giao cho người khác, nên khi đó, người giám hộ, hoặc người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng không thể ký Giấy thoả thuận thay cha, mẹ đẻ được. Do đó, trong quy định trên cần phải loại bỏ cụm từ “hạn chế năng lực hành vi dân sự” thì mới chính xác.
Thứ ba, sự đồng ý của người giám hộ theo quy định tại Điều 71 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 là chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo được lợi ích của trẻ em được giám hộ. Bởi vì, việc cho một đứa trẻ làm con nuôi cần được xem xét, cân nhắc đầy đủ mọi khía cạnh, và phải đảm bảo rằng, “khi bố mẹ không thể hoặc không phù hợp để chăm sóc con thì thân nhân của bố mẹ đứa trẻ hoặc người thay thế khác – gia đình nuôi dưỡng…”(6). Việc đưa trẻ được giám hộ ra khỏi môi trường gia đình ruột thịt của nó chỉ là biện pháp cuối cùng, khi đứa trẻ không thể có được sự chăm sóc, nuôi dưỡng trong gia đình họ hàng mở rộng của nó. Vì vậy, việc cho đứa trẻ đó làm con nuôi cần có ý kiến của những người họ hàng thân thích của trẻ được giám hộ, như ông bà nội, ông bà ngoại, các anh, chị ruột, các cô, chú, bác ruột… Những người này có quyền thể hiện ý chí của mình về việc nhận nuôi dưỡng nó hoặc cho nó làm con nuôi. Khi không có ai trong số những người họ hàng thân thích của trẻ có thể nuôi dưỡng nó hoặc việc nuôi dưỡng trong gia đình họ hàng của trẻ là không có lợi cho nó, thì việc cho nó làm con nuôi là cần thiết. Quy định như vậy còn tạo điều kiện để việc nuôi con nuôi giữa những người họ hàng ruột thịt trở thành hiện thực. Pháp luật của Pháp (Điều 348-2 BLDS Cộng hòa Pháp), của Bỉ(7)… cũng quy định cần có sự đồng ý của Hội đồng gia tộc trong việc cho trẻ làm con nuôi, khi cha mẹ đẻ của nó đều chết, đều mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, cũng cần quy định thêm là, nếu những người họ hàng của đứa trẻ mà lạm quyền không cho trẻ làm con nuôi, thì việc cho trẻ làm con nuôi vẫn có thể được thực hiện vì lợi ích của trẻ (Điều 348-6 BLDS Cộng hòa Pháp).
4. Điều kiện nhận nuôi con nuôi giữa những người có quan hệ họ hàng
Giữa những người có quan hệ họ hàng xác lập quan hệ nuôi con nuôi là một điều kiện thuận lợi cho trẻ em vì nó được tiếp tục sống trong môi trường ruột thịt của mình. Điều này vừa phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống đạo đức của dân tộc, vừa phù hợp với các văn bản pháp lý quốc tế về nuôi con nuôi. Pháp luật Philippin cho phép nhận người có quan hệ họ hàng cùng dòng máu hoặc thân thích từ đời thứ tư làm con nuôi(8), Điều 7 Luật nuôi con nuôi của Trung Quốc cho phép nhận người họ hàng cùng huyết thống nhưng khác chi ở đời thứ ba làm con nuôi(9)… Tuy nhiên, giữa những người có quan hệ họ hàng trong phạm vi nào thì có thể xác lập quan hệ nuôi con nuôi cần được pháp luật quy định rõ. Theo chúng tôi, việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi có thể được thiết lập giữa những người có quan hệ bàng hệ với nhau giữa người ở đời trên với người ở đời dưới, tức là ít nhất cách nhau một đời, mà việc xác lập quan hệ cha mẹ – con đó không làm thay đổi thứ bậc giữa họ với nhau trong gia đình. Ví dụ: giữa chú, bác, cô, cậu, dì… với cháu có thể được xác lập quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi. Nhưng giữa những người có quan hệ huyết thống trực hệ thì không thể xác lập quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi. Ví dụ: ông bà ngoại hoặc ông bà nội không thể nhận cháu ruột trực hệ làm con nuôi; người cha đẻ về huyết thống không thể nhận con đẻ ngoài giá thú của chính mình làm con nuôi. Vấn đề này trước đây chưa được quy định trong các văn bản luật hôn nhân và gia đình. Chỉ gần đây, khía cạnh này mới được đề cập đến trong một số văn bản dưới luật, dưới dạng Thông tư(10), nên hiệu lực chưa cao, chưa có tính phổ cập. Vì thế khía cạnh này cần được quy định thống nhất và cụ thể hơn trong Luật về nuôi con nuôi.
5. Thời gian thử thách trong việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi
Việc nuôi con nuôi nhằm hình thành quan hệ cha mẹ và con hợp pháp, mà không trên cơ sở huyết thống, nên đó là một việc không dễ dàng. Quá trình xác lập việc nuôi con nuôi vừa là sự bắt đầu vừa là sự chấm dứt. Đó là sự bắt đầu quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi, và có thể dẫn tới sự chấm dứt quan hệ giữa cha mẹ đẻ và con. Trong quá trình đó các bên đều phải đối mặt với những biến động, khủng hoảng tâm lý sâu sắc và trải nghiệm những xúc cảm mạnh mẽ. Sự hòa hợp, thích ứng với nhau là một yếu tố căn bản tạo nên sự bền vững, gắn bó trong quan hệ giữa cha mẹ nuôi và đứa trẻ được nhận làm con nuôi. Do những đặc điểm đó của việc cho nhận con nuôi, nên pháp luật của nhiều nước đã quy định về thời gian thử thách trong việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi và coi đó là một điều kiện để xem xét công nhận việc nuôi con nuôi. Thời gian thử thách là một điều kiện được quy định tại Điều 20 Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi nước ngoài.
Như vậy, thời gian thử thách là khoảng thời gian pháp luật quy định mà trong khoảng thời gian đó, người nhận nuôi sống chung với người được nhận làm con nuôi để cùng thích nghi và xem xét khả năng phù hợp với nhau giữa hai bên, từ đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận hay không công nhận việc nuôi con nuôi trên cơ sở bảo đảm lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi.
Pháp luật về nuôi con nuôi ở nước ta không quy định về thời gian thử thách giữa người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi trước khi công nhận việc nuôi con nuôi. Pháp luật quốc tế và pháp luật một số nước có quy định về vấn đề này, như pháp luật Philippin, pháp luật Pháp… Quy định về thời gian thử thách rất cần thiết đối với hình thức nuôi con nuôi đầy đủ, không chỉ trong việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, mà ở cả trong nước. Theo chúng tôi, nếu quy định, thời gian thử thách có thể là 6 tháng. Chỉ sau khi trải qua thời gian thử thách, cơ quan có thẩm quyền mới có cơ sở để ra quyết định công nhận việc nuôi con nuôi, nếu giữa người nhận nuôi và đứa trẻ thiết lập được mối quan hệ hòa hợp. Nếu hai bên không có sự hòa hợp, không thiết lập được mối quan hệ tốt đẹp, thì cần đưa đứa trẻ ra khỏi gia đình người nhận nuôi, đồng thời tìm một gia đình khác có mong muốn nhận con nuôi phù hợp hơn với đứa trẻ.
6. Đăng ký việc nuôi con nuôi và vấn đề nuôi con nuôi thực tế
Đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền là điều kiện bắt buộc để việc nuôi con nuôi có giá trị pháp lý. Về nguyên tắc, việc nuôi con nuôi không đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ không có giá trị pháp lý, các bên không được công nhận có quan hệ cha mẹ và con trước pháp luật.
Tuy nhiên trong quá trình thực hiện việc nuôi con nuôi ở nước ta đã từng tồn tại việc nuôi con nuôi thực tế. Trong từng giai đoạn lịch sử, việc nuôi con nuôi thực tế đã được pháp luật điều chỉnh và công nhận giá trị pháp lý(11). Qua các văn bản này có thể hiểu: nuôi con nuôi thực tế là việc nuôi con nuôi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện của việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật, phù hợp với mục đích nuôi con nuôi, trong đó các bên đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con đối với nhau, việc nuôi con nuôi đã được mọi người công nhận nhưng chưa đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.
Có thể thấy, nếu áp dụng những quy định đã có về nuôi con nuôi thực tế một cách cứng nhắc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ nuôi con nuôi, và không phù hợp với thực tế của quan hệ nuôi con nuôi. Bởi vì, có nhiều trường hợp, quan hệ nuôi con nuôi đã được xác lập trên thực tế, giữa hai bên đã thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con đối với nhau, việc nuôi con nuôi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, phù hợp với mục đích của việc nuôi con nuôi và đã tồn tại trong một thời gian dài, được mọi người công nhận, đến nay con nuôi có thể đã trên 15 tuổi, nhưng nếu các bên có nguyện vọng đăng ký việc nuôi con nuôi thì không có cơ sở pháp lý để giải quyết, vì vậy quyền lợi của các bên không được bảo đảm. Do đó, theo chúng tôi, đối với những trường hợp này, nhà nước cần có biện pháp linh hoạt, mềm dẻo nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên. Biện pháp đó có thể là dành cho các đương sự một thời hạn nhất định, có thể là hai năm, để thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. Sau thời hạn nhất định đó, nếu các bên không thực hiện việc đăng ký thì không được công nhận có quan hệ nuôi con nuôi. Điều này có thể được điều chỉnh bằng một văn bản riêng biệt, tương tự như cách giải quyết đối với các trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực. Khi đó, thời hạn hai năm sẽ được tính kể từ thời điểm văn bản riêng biệt đó có hiệu lực. Theo chúng tôi, khi xây dựng Luật Nuôi con nuôi cần cân nhắc và có quy định cụ thể, hợp tình, hợp lý để giải quyết thỏa đáng những trường hợp nuôi con nuôi thực tế đã tồn tại trong quá khứ, nhằm bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ nuôi con nuôi.
(1) Điều 9 Công ước quốc tế về quyền trẻ em
(2) Thông tư số 08/2006/TT-BTP, ngày 8/12/2006
(3) Điều 8 Đạo luật về nhận nuôi con nuôi trong nước của Philippin
(4) Điều 183 Hoàng Việt Trung kỳ hộ luật
(5) Nilima Mehta(1998), Cha mẹ đã chọn con, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.36
(6) Điều 4 Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về các nguyên tắc xã hội và pháp lý liên quan đến bảo vệ và phúc lợi trẻ em, đặc biệt là việc thu xếp nuôi con nuôi ở trong và ngoài nước
(7) Viện Khoa học pháp lý, Đề tài khoa học cấp Bộ: “Hoàn thiện pháp luật về nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trước yêu cầu gia nhập Công ước LaHay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế”, Chủ nhiệm: TS. Vũ Đức Long, Hà nội 10/2005, tr. 218.
(8) ) Điều 7 Đạo luật về nhận nuôi con nuôi trong nước năm 1998 của Cộng hòa Philippin
(9) ) Điều 7 Luật nuôi con nuôi của CHND Trung Hoa, được thông qua ngày 4/11/1998, có hiệu lực ngày 1/4/1999
(10) Xem Thông tư số 08/2006/TT-BTP và Thông tư số 01/2008/TT-BTP ngày 2/6/2008
(11) Xem Nghị quyết số 01/1988/NQHĐTP- TATC ngày 20/1/1988 và Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002
SOURCE: TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ THÁNG 3 NĂM 2009