Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con
Nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là: Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình. Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, thể hiện tính tiến bộ của chế độ hôn nhân và gia đình xã hội chủ nghĩa. Cấp dưỡng có thể hiểu một cách khát quát, cấp là cung cấp còn dưỡng là nuôi dưỡng. Cấp dưỡng là biểu tượng của tình đoàn kết và trách nhiệm giữa các thành viên trong gia đình. Nó còn là nghĩa vụ trong các trường hợp mà pháp luật quy định.
Chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên không phải lúc nào nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng cũng thực hiện được. Với thực trạng hiện nay các mối quan hệ về hôn nhân gia đình xuống cấp nghiêm trọng về mặt đạo đức, vì vậy pháp luật quy định về cấp dưỡng lại càng cần thiết nhằm đề cao trách nhiệm của các thành viên trong gia đình đối với nhau, nhằm đảm bảo sự ổn định, bền vững, và hạnh phúc của gia đình và các mối quan hệ xã hội. Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu (Khoản 24 Điều 3 Luật HNGĐ 2014). Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình (Khoản 20 Điều 3 Luật HNGĐ 2014).
Cha, mẹ và con trong thời kỳ hôn nhân sống chung với nhau thì phát sinh quan hệ nuôi dưỡng căn cứ theo nguyên tắc Cha mẹ: Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Nghĩa vụ cấp dưỡng được đặt ra trong các trường hợp: Thứ nhất: Khi hôn nhân đang tồn tại mà cha mẹ không có điều kiện trực tiếp nuôi con (do đi công tác xa, phải chấp hành án phạt tù…) con được giao cho người khác trông nom thì cha mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng con. Trong trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên tại Điều 85 Luật HNGĐ 2015, cha mẹ bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng (Khoản 3 Điều 87 Luật HNGĐ 2014); Thứ hai: Khi cha, mẹ ly hôn người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con (Điều 82 Luật HN GĐ 2014) Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Và con phải rơi vào các trường hợp nêu trên mới được cấp dưỡng, còn con đã thành niên không rơi vào trường hợp trên thì cha, mẹ không có nghĩa vụ cấp dưỡng. Thứ ba: Trường hợp người cha phải cấp dưỡng cho con ngoài giá thú khi người con này ở với mẹ. Trong trường hợp người cha, người mẹ trốn tránh trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Theo nguyên tắc . Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan (Khoản 2 Điều 68 Luật HNGĐ 2014).