NGUYỆN VỌNG CỦA CON KHI CHA MẸ LY HÔN
Khi vợ chồng ly hôn, con cái chung của họ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Theo quy định của Pháp luật, xem xét nguyện vọng của con khi cha mẹ ly hôn là một trong những yếu tố quan trọng để quyết định trẻ sẽ ở với ai.
Mục lục
Nguyện vọng của con khi cha mẹ ly hôn
Theo Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau: vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Như vậy, Tòa án phải hỏi về nguyện vọng của con khi cha mẹ ly hôn khi trẻ từ 07 tuổi trở lên xem các con muốn sống với cha hay mẹ. Số tuổi quy định ở Luật Hôn nhân gia đình 2000 là 09 tuổi. Độ tuổi này có sự thay đổi về so với với Luật Hôn nhân gia đình 2000.
Tại sao phải ghi nguyện vọng của con khi cha mẹ ly hôn?
Việc lấy ý kiến này là vô cùng cần thiết vì khi cha mẹ ly hôn sẽ mang đến một cú sốc không hề nhỏ cho con trẻ khiến trẻ mất đi một điểm tựa quan trọng nhất là mái ấm gia đình, ảnh hưởng đến nhận thức và quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy, việc hỏi ý kiến về nguyện vọng của con khi cha mẹ ly hôn sẽ giúp con nói lên tâm tư nguyện vọng của mình và là căn cứ giúp trẻ tìm được người trực tiếp nuôi thích hợp, bảo đảm sự trưởng thành của trẻ.
Điều này cũng phù hợp với những văn bản về Quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết. Điều này bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ, được quyền tự do phát biểu quan điểm của mình vì đây là vấn để tác động đến trẻ. Đặc biệt trẻ ở số tuổi này, đã hình thành những nhận thức về tất cả các vấn đề có tác động đến trẻ và trẻ xứng được ghi nhận quan điểm, coi trọng một cách đúng mực, tương thích với độ tuổi và độ trưởng thành.
Khó khăn khi ghi nhận nguyện vọng của con khi cha mẹ ly hôn
Tuy nhiên yêu cầu này trên thực tế đã gặp vướng mắc khi các bậc cha mẹ không hợp tác. Hoặc chỉ là hợp tác lấy lệ mà không thực sự được thực hiện đúng theo yêu cầu của Pháp luật. Vì hầu hết các bậc cha mẹ giải quyết ly hôn mà không nói với con, cố tình nói lý do hoặc không đưa con đến khi Tòa xét xử vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Tình huống này thường xuyên xảy ra, gây khó khăn khi Tòa án cần lấy nguyện vọng của trẻ. Vì thế, để thực hiện việc xác minh, cán bộ tòa sẽ tìm đến trường học, nơi sinh sống của trẻ để thực hiện việc lấy ý kiến. Đã là quy định của Pháp luật thì thủ tục này là một yêu cầu bắt buộc, nếu thiếu việc ghi nhận nguyện vọng của con khi cha mẹ ly hôn thì Tòa án cấp trên sẽ tuyên hủy.