Những nội dung quan trọng của biên bản thỏa thuận ly hôn
Trong quá trình ly hôn, việc lập biên bản thỏa thuận đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong việc quy định các điều khoản và điều kiện sau ly hôn. Biên bản này là cơ sở pháp lý quan trọng giúp đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên được xác định rõ ràng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những nội dung quan trọng mà một biên bản thỏa thuận ly hôn cần phải bao gồm. Điều này giúp cả hai bên hiểu rõ hơn về quyền và trách nhiệm của mình sau khi chia tay, từ việc chăm sóc con cái đến việc chia sẻ tài sản và nợ nần.
Mục lục
1. Biên bản thỏa thuận ly hôn là gì?
Biên bản thỏa thuận ly hôn là một văn bản pháp lý được hai bên cùng thỏa thuận và ký kết để quy định các điều khoản và điều kiện liên quan đến việc chấm dứt mối quan hệ hôn nhân. Trong biên bản này, các vấn đề như việc chia tài sản chung, nợ chung của hai vợ chồng trong thời kì hôn nhân; việc chăm sóc con cái, cấp dưỡng nuôi con và các vấn đề khác sau ly hôn (nếu có) được thảo luận và đồng ý một cách minh bạch và công bằng giữa hai bên. Biên bản thỏa thuận ly hôn có tác dụng pháp lý và thường được sử dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan đến hôn nhân sau khi ly hôn.
Gọi là biên bản thỏa thuận vì những thỏa thuận của hai bên khi ly hôn được lập thành văn bản để đảm bảo giá trị pháp lý của nó.
2. Các nội dung cần có trong biên bản thỏa thuận ly hôn
Biên bản thỏa thuận ly hôn cần có những thông tin sau:
- Thông tin nhân thân của hai vợ chồng, bao gồm: họ tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh, giấy tờ tùy thân
- Thỏa thuận về trách nhiệm nuôi dưỡng, cấp dưỡng cho con cái (nếu có), bao gồm: ai sẽ trực tiếp nuôi con sau ly hôn; người không trực tiếp nuôi dưỡng cấp dưỡng thế nào; quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong việc thăm con,…
- Thỏa thuận về xử lý tài sản chung (nếu có):
- Biên bản cần liệt kê rõ: các tài sản riêng của vợ, chồng; các tài sản chung của vợ chồng và cách chia tài sản chung thế nào.
- Vợ chồng có thể thỏa thuận cho con cái tài sản và thực hiện thủ tục để đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho con khi con đủ tuổi đứng tên tài sản.
- Thỏa thuận về xử lý nợ chung (nếu có). Biên bản thỏa thuận ly hôn cần nêu rõ nghĩa vụ trả nợ chung của mỗi người cụ thể thế nào.
3. Các bước làm biên bản thỏa thuận ly hôn
Để làm biên bản thỏa thuận ly hôn, quý vị có thể tham khảo các bước như sau:
Thứ nhất, hai bên xác định các nội dung thỏa thận với nhau theo những nội dung quan trọng cần có Luật sư đã giới thiệu ở phần 2.
Thứ hai, soạn thảo biên bản thỏa thuận ly hôn. Đây là bước rất quan trọng vì nó liên quan đến giá trị pháp lý của biên bản trong quá trình xử lý vụ việc ly hôn. Hai người có thể tự soạn thảo, tuy nhiên, lựa chọn tốt hơn là nên nhờ luật sư soạn thảo để đảm bảo tính khách quan, công bằng của bên thứ 3 không liên quan đến những nội dung thỏa thuận của hai vợ chồng.
Đồng thời, luật sư có sự am hiểu pháp luật nên việc soạn thảo biên bản sẽ tốt hơn, đảm bảo các nội dung được diễn giải cụ thể, rõ ràng, tránh nhầm lẫn. Hơn nữa, nếu hai bên có mâu thuẫn nào trong quá trình thỏa thuận thì luật sư sẽ là người trung gian hòa giải để giúp hai bên giải quyết mâu thuẫn tốt hơn.
4. Giá trị pháp lý của biên bản thỏa thuận ly hôn
Nếu hai vợ chồng thuận tình ly hôn, đồng thời tự thỏa thuận giải quyết các vấn đề về con cái và tài sản thì yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Sau khi Tòa án có thẩm quyền thụ lý giải quyết yêu cầu này, căn cứ Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP, Tòa án ban hành Quyết định công nhận thuận tình ly hôn cho đương sự.
Nếu cả hai chỉ đồng thuận ly hôn mà việc phân chia tài sản chung, nợ chung, nuôi dưỡng và cấp dưỡng cho con không tự giải quyết được với nhau thì các bên có quyền đơn phương nộp đơn ly hôn cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Như vậy, khi chưa có Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự hay Bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật (đều do Tòa án ban hành) thì hai vợ chồng vẫn chưa được xem là đã ly hôn.
Do đó, biên bản thỏa thuận ly hôn vẫn chưa có ý nghĩa pháp lý đối với sự tồn tại hay chấm dứt của mối quan hệ hôn nhân. Có chăng biên bản thỏa thuận ly hôn ghi nhận ý chí, nguyện vọng của hai bên khi ly hôn, làm căn cứ để Tòa án giải quyết vụ việc ly hôn.
Bên cạnh đó, hiện nay, chưa có quy định pháp luật nào công nhận tính pháp lý của biên bản thỏa thuận ly hôn (kể cả bằng văn bản do cả hai cùng ký tên hay bằng miệng). Nội dung của biên bản thỏa thuận ly hôn này cũng không được trái quy định pháp luật,
Ví dụ “nếu hai bên thỏa thuận trong thời gian Tòa án đang giải quyết ly hôn, một trong hai bên được phép có tình cảm nam nữ với người khác mà bên kia không được can thiệp” là không được, vì nó trái với nguyên tắc một vợ một chồng của Luật Hôn nhân gia đình.
Như vậy, việc thảo luận và xác định các điều khoản quan trọng trong biên bản thỏa thuận ly hôn là bước quan trọng để làm biên bản thỏa thuận ly hôn. Đồng thời, việc có một biên bản thỏa thuận rõ ràng và chi tiết cũng giúp giảm thiểu sự xung đột và tranh chấp sau ly hôn, tạo điều kiện cho hai bên tiến tới cuộc sống mới một cách êm đềm và hòa thuận.
Luật sư ly hôn nhanh luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy của Quý Khách hàng nhiều năm qua trong lĩnh vực hôn nhân gia đình nên hãy liên hệ ngay với chúng tôi khi bạn có bất kì câu hỏi nào nhé.