Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
Thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống. Theo pháp luật Việt Nam thì có 2 loại thừa kế là: thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Trong đó, thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Thuê luật sư ly hôn nhanh chóng, kịp thời
Nội dung giải quyết ly hôn ở tòa án
Ý nghĩa của xóa án tích trong thực tiễn
Theo Điều 650 BLDS 2015, thừa kế theo pháp luật bao gồm các trường hợp như sau:
Mục lục
Không có di chúc
Không có di chúc là trường hợp người chết không để lại di chúc hoặc di chúc bị thất lạc, hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc đó tại thời điểm mở thừa kế. Trong trường hợp này, mọi di sản được chia theo pháp luật.
Di chúc không hợp pháp
Di chúc không hợp pháp là di chúc không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại điều 630 BLDS 2015. Tùy thuộc vào mức độ, phạm vi vi phạm, di chúc không hợp pháp có thể bị vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần. Nếu di chúc vô hiệu toàn phần thì toàn bộ di sản của người chết được chia theo pháp luật. Nếu di chúc chỉ vô hiệu 1 phần thì chỉ phần di sản liên quan tới phần di chúc bị vô hiệu được chia theo pháp luật.
Ví dụ: Nếu di chúc được lập ra trong trường hợp người lập di chúc đang trong trại thái không minh mẫn, sáng suốt thì toàn bộ di chúc của người này bị vô hiệu và trong trường hợp này, toàn bộ di sản của người này được chia theo pháp luật.
Phần di sản không được định đoạt trong di chúc
Di chúc có thể định đoạt toàn bộ hay chỉ một phần của khối di sản của người chết. Đối với phần di sản không được định đoạt trong di chúc sẽ được chia theo pháp luật, tức là chia theo hàng thừa kế. Khi chia thừa kế theo pháp luật nếu một người đã được hưởng di sản theo di chúc, vẫn được hưởng phần di sản được chia theo pháp luật, nếu họ là người đứng trong hàng thừa kế hưởng di sản theo pháp luật.
Ví dụ: Ông A để lại di chúc chia khối tài sản của mình cho các con của ông. Sau khi ông chết, gia đình mới phát hiện ông còn có một sổ tiết kiệm chưa được định đoạt trong di chúc. Lúc này, sổ tiền tiết kiệm đó được xem là phần di sản chưa được định đoạt trong di chúc nên sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Theo đó, sổ tiền tiết kiệm này sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông A bao gồm: cha, mẹ ông A; vợ ông A và con ông A. Mặc dù con ông A đã được nhận thừa kế theo di chúc những vẫn được hưởng phần thừa kế theo pháp luật vì con ông A nằm trong hàng thừa kế thứ nhất của ông.
Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế
Theo quy định của pháp luật, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Trong trường hợp tại thời điểm mở thừa kế những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì họ không được thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người do người thừa kế của người đó hưởng trừ trường hợp thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 BLDS 2015.
Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với trong trường hợp người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng thừa kế (Điều 621 BLDS 2015), người thừa kế theo di chúc từ chối quyền hưởng di sản (Điều 620 BLDS 2015)
Tóm lại, chế định về thừa kế theo pháp luật là một chế định quan trọng và có ý nghĩa. Tuy không thực hiện theo ý chí của người đã khuất như thừa kế theo di chúc nhưng thừa kế theo pháp luật là phương án dự trù cho các trường hợp người chết không chuẩn bị di chúc hay gặp phải những trường hợp khác như đã phân tích ở trên, giúp cho việc định đoạt di sản của người chết trong những trường hợp này được dễ dàng và công bằng hơn.