Những vấn đề chung về quyền nuôi con sau ly hôn
Khi chấm dứt thời kỳ hôn nhân, hai vấn đề thường xảy ra tranh chấp nhất đó là tài sản và quyền nuôi con sau ly hôn. Đối với quyền nuôi con, thông thường người cha hoặc người mẹ đều mong muốn con cái chung sống và được chăm sóc bởi mình. Do đó, để đưa ra hướng giải quyết phù hợp, bài viết dưới đây chúng tôi sẽ đi sâu vào những vấn đề chung về quyền nuôi con sau ly hôn.
Mục lục
1. Những vấn đề chung về quyền nuôi con sau ly hôn
Để giải quyết vấn đề phân chia quyền nuôi con sau ly hôn, pháp luật đã đưa ra quy định cụ thể. Theo đó, sẽ có những vấn đề chung khi phân chia quyền nuôi con. Ở phần này, chúng tôi sẽ đưa ra căn cứ xác định quyền nuôi con và cách để giành quyền nuôi con.
1.1. Căn cứ xác định quyền nuôi con
Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn sẽ là:
“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.“
Như vậy, căn cứ theo quy định trên, vợ chồng có thể thỏa thuận về việc ai sẽ là người trực tiếp nuôi con. Trong trường hợp không thỏa thuận được các bên sẽ yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc giải quyết sẽ được dựa trên khoản 2 và khoản 3 của Điều luật này.
1.2. Cách để giành quyền nuôi con
Trong quá trình ly hôn, nếu không thỏa thuận được về quyền nuôi con, hai vợ chồng có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Theo đó, Tòa án sẽ căn cứ vào các tiêu chí sau để trao quyền nuôi con cho người đó, cụ thể:
- Điều kiện vật chất: Điều kiện vật chất ở đây được xác định dựa trên mức thu nhập, công việc, mức lương,… nhằm tạo cho con cái một cuộc sống đầy đủ về vật chất như ăn uống, vui chơi, giải trí, học tập,…
- Điều kiện về tinh thần: Đó là khoảng thời gian ở bên con, chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con cái, có sự gắn kết về tình cảm với con từ trước đến nay, mức độ quan tâm đến con về tâm sinh lý,…
- Điều kiện khác: Cha hoặc mẹ muốn giành con cần phải đáp ứng một số điều kiện như phẩm chất, đạo đức, chưa từng mắc phải tệ nạn xã hội, có tiền án tiền sự, không có hành vi ngoại tình, bạo hành con cái,…
Như vậy, nếu vợ hoặc chồng đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên, được Tòa án trao quyền nuôi con cho người đó. Đồng thời, đối với con từ 7 tuổi trở lên, Tòa án sẽ xem xét đến nguyện vọng con muốn sống với ai. Điều này nhằm thể hiện được tính nhân đạo, nhân văn trong việc yêu thương và tạo ra giá trị hạnh phúc cho trẻ em.
2. Để giành quyền nuôi con cần tiến hành theo các bước như thế nào?
Trong trường hợp vợ hoặc chồng thỏa thuận về quyền nuôi con nhưng sau đó gặp những vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của con thì sẽ nộp đơn ly hôn kèm hồ sơ khởi kiện yêu cầu Tòa giải quyết. Theo đó, Tòa án sẽ giải quyết quyền nuôi con sau ly hôn theo các bước dưới đây:
- Bước 1: Nộp đơn kèm hồ sơ khởi kiện đến Tòa án cùng những minh chứng có nội dung yêu cầu giải quyết về quyền nuôi con.
- Bước 2: Tòa án sẽ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đáp ứng đủ tài liệu hoặc còn sai sót, Tòa sẽ trả lại hồ sơ và thông báo về việc sửa đổi, bổ sung, Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, Tòa án ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.
- Bước 3: Sau khi nguyên đơn nộp Biên lai tạm ứng án phí, Tòa sẽ ra thông báo thụ lý vụ án.
- Bước 4: Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý vụ án và giải quyết theo trình tự và quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.
3. Nếu không đủ tiêu chí giành quyền nuôi con, có được chăm sóc con không?
Theo quy định của pháp luật hiện nay, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con vẫn được chăm sóc, thăm nom, cấp dưỡng cho con cái. Căn cứ theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nghĩa vụ, quyền của cha mẹ không trực tiếp nuôi con như sau:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó”.