Những xung đột tâm lý ở tuổi vị thành niên với cha mẹ và hướng giải pháp khắc phục
Các thế hệ gia đình Việt Nam từ xưa tới nay đã xây dựng được những truyền thống tốt đẹp và bền vững với những chuẩn mực xã hội, đạo đức với phương châm cư xử: kính trên nhường dưới và đề cao nề nếp, sự hòa thuận.
Tuy nhiên, giữa các thế hệ trong gia đình vẫn luôn có những khoảng cách thế hệ về nhận thức, nếp sống và tâm lý từ đó tạo ra những xung đột khó tránh khỏi nhất là lứa tuổi vị thành niên với cha mẹ. Đó là một vấn đề cần phải tháo gỡ để tạo sự hòa thuận, êm ấm trong một gia đình. Dưới đây chúng tôi sẽ đề cập những xung đột thường gặp và đề xuất những giải pháp khắc phục nó.
Mục lục
Những nguyên nhân hay dẫn đến xung đột
Sự khác biệt, khoảng cách về nhận thức, quan niệm, suy nghĩ và lối sinh hoạt giữa cha mẹ và con cái đã tạo nên những xung đột về mặt tâm lý. Vấn đề cơ bản chính là do hoàn cảnh sống, thời gian sống và cũng như sự khác nhau về thế hệ, sự chênh lệch về kinh nghiệm sống đã tạo nên khoảng cách dẫn đến xung đột.
Phía cha mẹ
- Do ảnh hưởng của tính gia trưởng xưa với mong muốn con cái phải nghe theo và tuân thủ những quy định mình đặt ra.
- Suy nghĩ các trẻ vẫn còn bé, ngây thơ nên cha mẹ cần phải biết kiểm soát mọi hoạt động, con cái phải phụ thuộc vào mọi quyết định của mình.
- Do chưa kịp thích ứng và có ý thức đầy đủ đối với sự thay đổi nhanh chóng của cơ thể, tâm sinh lý nên các em chưa cảm nhận đầy đủ, kịp thời nhu cầu độc lập, ý thức về bản thân và sự lựa chọn riêng của mình.
- Cha mẹ muốn duy trì sự phụ thuộc của con cái vào mình trong các hoạt động cuộc sống hàng ngày. Do đó cha mẹ có những suy nghĩ rằng những đòi hỏi về sự độc lập, quyền riêng tư của trẻ là không phù hợp, vượt ngoài khuôn khổ cho phép.
Về phía các em
- Ở tuổi dậy thì cơ thể phát triển cùng với tâm sinh lý thay đổi nên các em dễ cảm nhận được “ sự trưởng thành” và có cảm giác “mình là người lớn”. Mặt khác, ở độ tuổi này nhận thức đã được nâng lên rõ rệt, đó là những nhận biết về cuộc sống xung quanh, bạn bè, đặc biệt là ý thức về “cái tôi cá nhân” và “quyền riêng tư”, đồng thời với những nhu cầu độc lập của bản thân.
- Từ sự thay đổi đó dẫn đến các em có mong muốn thoát khỏi sự phụ thuộc và kiểm soát của cha mẹ, muốn thoát ra khỏi trật tự, khuôn phép và những quy định đã áp đặt từ khi còn bé. Các em cho rằng: chúng có quyền được thỏa mãn nhu cầu độc lập, có thể tự quyết định những sinh hoạt riêng tư phù hợp với lứa tuổi và có cuộc sống hiện đại. Đó chính là nguyên nhân lớn nhất gây ra sự xung đột giữa cha mẹ và con cái khi ở độ tuổi dậy thì.
Một số định hướng tháo gỡ những vướng mắc, xung đột
- Cách ứng xử trong gia đình: Cha mẹ vẫn nên duy trì những nề nếp quy định của gia đình nhưng phải phù hợp với lối sống hiện đại. Nếu cảm thấy không còn phù hợp nữa cần phải có hướng điều chỉnh để đáp ứng với cuộc sống ở thời các em đang sống.
- Cha mẹ nên chủ động kéo gần khoảng cách về tâm lý giữa các thế hệ trong gia đình, không nên bảo thủ áp đặt mọi thứ đối với con bằng những điều đã lỗi thời,cổ hủ và biết cách hòa hợp chúng vào cuộc sống hiện tại, tiếp thu và điều chỉnh theo sự đổi mới của cuộc sống.
- Nhận thấy sự phát triển của cơ thể, tâm sinh lý của các em đang ở tuổi dậy thì về nhu cầu độc lập, tự khẳng định, quyền riêng tư và những nhu cầu cần thiết trong cuộc sống để có những hướng điều chỉnh kịp thời phù hợp.
- Luôn tìm hiểu, lắng nghe,tâm sự với con để hiểu những thay đổi, tâm tư nguyện vọng, sở thích và những nhu cầu của các con. Vừa tôn trọng và đáp ứng hợp lý những nhu cầu chính đáng của các em và vừa phải kiên quyết ngăn chặn những suy nghĩ, hành động tự do mất phương hướng, những cám dỗ, cạm bẫy, tiêu cực mà các em có thể mắc phải. Giúp các em giải đáp những băn khoăn, lo lắng về những khủng hoảng về tâm lý trong giai đoạn nhạy cảm này.
- Cần trao đổi tìm ra tiếng nói chung giữa các thế hệ, cha mẹ cần có nhận thức đúng, biết định hướng cho con bằng những dẫn chứng có cơ sở, sức thuyết phục cao, không nên áp đặt cứng nhắc, khuôn mẫu theo kiểu gia trưởng để tạo sự tin yêu và cảm thông sẻ chia của con đối với cha mẹ mình.
- Cha mẹ nên liên hệ chặt chẽ với nhà trường, thầy cô và các tổ chức xã hội liên quan để hướng các em tới những hoạt động tích cực, tốt đẹp, phù hợp vừa giúp nâng cao nhận thức xã hội của trẻ, vừa thể hiện sự quan tâm giữa các thế hệ và từ đó xây dựng gia đình hạnh phúc tiến bộ.