Nộp đơn ly hôn online có được không?
Trong thời đại công nghệ hóa như hiện nay, hầu hết các thủ tục hành chính đều đã được thực hiện online. Các cặp vợ chồng trong thời đại mới cũng tìm kiếm xu hướng nộp đơn ly hôn online. Vậy hiện nay đã có quy định nào về việc nộp đơn ly hôn online hay chưa, nếu có thì cách thức gửi như thế nào? Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ cập nhật đến các bạn câu trả lời của câu hỏi “Nộp đơn ly hôn online có được không?”.
Mục lục
1. Nộp đơn ly hôn online có được không?
Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 quy định các phương thức nộp đơn khởi kiện, đa dạng và tạo điều kiện thuận lợi cho các đương sự. Theo quy định tại khoản 1, điều 190, Bộ luật tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện gửi đơn kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
– Nộp trực tiếp tại Tòa án;
– Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Vì vậy theo quy định của pháp luật, đơn ly hôn vẫn có thể nộp online được nếu Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn xin ly hôn của bạn có Cổng thông tin điện tử và có quy định về việc tiếp nhận hồ sơ online.
Theo khoản 1 Điều 16 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP, người khởi kiện phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án và điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án.
Đồng thời, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 04 nêu rõ:
Tòa án nhân dân tối cao thông báo trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao danh sách các Tòa án thực hiện giao dịch điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
Như vậy, có thể thấy, nếu Tòa án có thực hiện giao dịch điện tử và được Tòa án nhân dân tối cao thông báo trên Cổng thông tin điện tử thì vợ, chồng có thể nộp đơn ly hôn online.
2. Trình tự nộp đơn ly hôn online
Theo quy định hiện hành, trình tự thủ tục gửi và tiếp nhận đơn xin ly hôn online được thực hiện thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Người khởi kiện phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án. Sau đó gửi kèm tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử.
Sau khi nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo bằng phương tiện điện tử, Tòa án in ra bản giấy, ghi vào sổ nhận đơn và xử lý đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật tố tụng.
Tòa án gửi thông báo đã nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ cho người khởi kiện từ Cổng thông tin điện tử của Tòa án đến địa chỉ thư điện tử đã đăng ký của người khởi kiện.
Sau đó, kết quả xử lý đơn khởi kiện được Tòa án gửi từ Cổng thông tin điện tử của Tòa án đến địa chỉ thư điện tử đã đăng ký của người khởi kiện.
3. Có được ủy quyền tham gia khởi kiện ly hôn không?
Chỉ có một trường hợp duy nhất theo Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình, khi chồng hoặc vợ bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không nhận thức hoặc làm chủ hành vi và là nạn nhân của bạo lực gia đình do người còn lại gây ra, ảnh hưởng nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tinh thần thì cha, mẹ hoặc người thân sẽ là người đại diện.
Vì vậy pháp luật Hôn nhân gia đình không có quy định về việc ủy quyền tham gia tố tụng.