Nộp đơn ly hôn trực tuyến được không?
Việc nộp đơn ly hôn trực tuyến là hình thức các cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn và các tài liệu đi kèm qua trang điện tử của Tòa án. Hình thức này có rất nhiều thuận lợi cho các cặp đôi bận rộn, tuy nhiên hiện tại pháp luật có những quy định nào cho hình thức này hay chưa? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Nộp đơn ly hôn trực tuyến được không?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 190 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015, Khoản 1 Điều 16 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP thì đơn ly hôn hoàn toàn có thể nộp bằng hình thức trực tuyến qua cổng thông tin của Tòa án (nếu có) bên cạnh các hình thức như nộp trực tiếp tại Tòa án, nộp theo đường bưu điện gửi đến Tòa án.
Tại Điều 16 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP nêu rõ:
- Người khởi kiện phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án;
- Tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện phải được gửi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Nếu bạn muốn biết địa chỉ cổng thông tin điện tử của Tòa án mà bạn cần thì tại Điều 12 Nghị Quyết 04 có nêu:
“Tòa án nhân dân tối cao thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao list những Tòa án triển khai thanh toán giao dịch điện tử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.”
Vì vậy nếu Tòa án có thẩm quyền có cổng thông tin điện tử theo như list danh sách mà Tòa án nhân dân tối cao liệt kê thì bạn hoàn toàn có thể nộp đơn ly hôn online.
2. Quy trình nộp đơn ly hôn trực tuyến
Theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13, Luật tố tụng hành chính số 93/2015/QH13 về gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử thì Điều kiện để nộp đơn ly hôn trực tuyến như sau:
- Có địa chỉ thư điện tử để gửi thư đi và nhận thư đến từ Cổng thông tin điện tử của Tòa án;
- Có chữ ký điện tử còn hiệu lực và chữ ký số này được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền;
- Đã đăng ký giao dịch thành công theo Điều 12 Nghị Quyết 04;
- Đáp ứng đầy đủ những điều kiện khác về giao dịch điện tử quy định trong Nghị quyết 04.
Thủ tục nộp đơn ly hôn trực tuyến:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn:
- Đơn ly hôn: Soạn đơn theo mẫu số 23-DS hoặc mẫu số 01-VDS tùy vào việc bạn chọn hình thức ly hôn nào: ly hôn đơn phương hay thuận tình ly hôn;
- Bản sao công chứng CMND, hộ khẩu của người xin đơn phương ly hôn;
- Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, nếu mất bản gốc thì nộp bản trích lục đăng ký kết hôn;
- Bản sao công chứng giấy khai sinh của các con chung, riêng;
- Giấy xác nhận nơi cư trú của bị đơn;
- Bản sao công chứng giấy tờ liên quan đến tài sản chung yêu cầu phân chia.
Bước 2: Gửi và tiếp nhận đơn ly hôn trực tuyến
- Điền đẩy đủ thông tin vào đơn đăng ký, ký điện tử và gửi vào cổng thông tin điện tử Tòa án;
- Trong vòng 03 ngày (ngày làm việc) kể từu ngày nhận được đơn thì Tòa án sẽ gửi thông báo về việc chấp nhận hay không chấp nhận đơn của bạn;
- Trường hợp không chấp nhận thì Tòa án sẽ nêu rõ lý do và bạn cần căn cứ vào những lý do trên để hoàn chỉnh việc đăng ký;
- Trường hợp chấp nhận thì bạn cần thực hiện tiếp các bước tiếp theo dưới đây;
- Người khởi kiện cần truy cập vào Cổng thông tin điện tử Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký, đính kèm các tài liệu liên quan và gửi đi;
- Sau khi tiếp nhận, Tòa án in ra bảng giấy, ghi vào sổ nhận đơn và xử lý theo quy định của pháp luật;
- Sau khi đã được tiếp nhận hồ sơ thì Người khởi kiện phải nộp bản chính đến cơ quan Tòa án đã tiếp nhận chậm nhất là tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;
- Sau đó Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ việc theo trình tự thủ tục ly hôn thông thường;
- Những thông báo, quyết định, tống đạt của Tòa án sẽ được gửi về địa chỉ điện tử của người khởi kiện và người khởi kiện phải có trách nhiệm thông báo đến Tòa án rằng mình đã nhận được thông báo.
3. Thẩm quyền tiếp nhận đơn ly hôn
Để xác định Tòa án nào thụ lý đơn ly hôn thì cần xem xét đến nhiều yếu tố khác nhau như ly hôn thuận tình, đơn phương ly hôn hay ly hôn có yếu tố nước ngoài. Chỉ khi xác định được đúng Tòa án có thẩm quyền thì thủ tục giải quyết ly hôn mới được diễn ra nhanh chóng.
Trong trường hợp ly hôn thuận tình, việc nộp đơn ly hôn ở đâu cũng là một trong những việc hai vợ chồng có thể thỏa thuận. Khi đó, hai người có thể thỏa thuận đến Tòa án nơi cư trú của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục.
Trong trường hợp ly hôn đơn phương thì để có thể xác định nộp đơn ly hôn ở đâu cần xét tùy từng trường hợp khác nhau. Thông thường khi trường hợp ly hôn đơn phương cần căn cứ theo nơi cư trú hoặc nơi làm việc của bị đơn. Việc gửi đơn này đảm bảo cho phía bị đơn không bị mất thời gian đến nơi người có yêu cầu đơn phương để giải quyết vụ việc.
Khi không xác định được nơi bị đơn cư trú thì có thể liên hệ và nộp hồ sơ tại Tòa án nơi người này làm việc; Nếu không biết cả nơi cư trú và nơi làm việc thì có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết;
Nếu bị đơn mất tích mà không xác định được nơi cư trú thì bắt buộc phải yêu cầu Tòa án tuyên bố người này mất tích.
Trường hợp ly hôn khi có yếu tố nước ngoài căn cứ điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài giữa: Công dân Việt Nam với người nước ngoài; Người nước ngoài với nhau thường trú tại Việt Nam; Nếu người Việt Nam ly hôn với người nước ngoài nhưng không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm ly hôn nhưng hai vợ chồng không có nơi thường trú chung.
Tòa án cấp huyện sẽ không có thẩm quyền giải quyết các vụ ly hôn có yếu tố nước ngoài trừ khi giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam. Còn các trường hợp có yếu tố nước ngoài khác, thẩm quyền thuộc về Tòa án cấp tỉnh nơi cư trú của người Việt Nam.