Phân chia di sản thừa kế cần thủ tục gì?
Việc phân chia di sản thừa kế (dù là thừa kế theo di chúc hay thừa kế theo pháp luật) đều phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Theo đó, sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận với nhau cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này cũng như thỏa thuận về cách thức phân chia di sản (Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015).
Khái niệm hợp đồng hôn nhân được hiểu là gì?
Nồng độ cồn bao nhiêu thì người đi xe máy bị xử phạt
Giải quyết vấn đề nợ chung khi ly hôn
Như vậy, việc phân chia di sản thừa kế trước hết được tiến hành trên cơ sở thỏa thuận của những người thừa kế. Mọi sự thỏa thuận đều phải được lập văn bản, hoặc phải được công chứng/chứng thực theo quy định pháp luật. Trong đó, hiện nay, việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, tuy dần được thực hiện phổ biến nhưng vẫn không khiến nhiều người khỏi băn khoăn vì không rõ thủ tục.
Theo quy định của Luật Công chứng 2014, công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được thực hiện tại Phòng công chứng, Văn phòng công chứng có thẩm quyền. Khi đó, người yêu cầu công chứng cần cung cấp các loại giấy tờ như: chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, hộ khẩu của những người thuộc diện hưởng thừa kế; giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người thuộc diện hưởng thừa kế (giấy khai sinh, sơ yếu lý lịch) (trường hợp thừa kế theo pháp luật); di chúc hợp pháp (trường hợp thừa kế theo di chúc); giấy chứng tử của người để lại di sản (hoặc giấy tờ chứng minh người đó đã chết); giấy chứng tử của những người thuộc diện hưởng thừa kế (nếu có); văn bản từ chối nhận di sản thừa kế hợp pháp của người thuộc diện hưởng di sản thừa kế (nếu có); giấy ủy quyền/hợp đồng ủy quyền của người/những người thuộc diện hưởng di sản thừa kế (nếu có)…
Đặc biệt, đối với di sản thừa kế là quyền sử dụng đất hoặc tài sản pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong hồ sơ yêu cầu công chứng phải có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó.
Sau khi nhận được các giấy tờ trên, công chứng viên sẽ kiểm tra để xác định người để lại di sản có đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, những người yêu cầu công chứng có đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định (khoản 3 Điều 57 Luật Công chứng 2014).
Tổ chức hành nghề công chứng sẽ niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng. Việc niêm yết được tiến hành tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú/tạm trú cuối cùng của người để lại di sản hoặc nơi có di sản (nếu di sản là bất động sản) trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết (khoản 1 Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP). Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thưa kế là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản. Do đó, sau khi có văn bản này, những người được thừa kế thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản theo quy định pháp luật áp dụng đối với từng loại tài sản đó. Ví dụ, trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì trong thời hạn không quá 30 ngày tính từ ngày phân chia xong di sản thừa kế, những người được thừa kế phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động để cập nhật thông tin chủ sở hữu tại cơ quan đăng ký đất đai có thẩm quyền (khoản 6 Điều 95 Luật Đất đai 2013)…
Vì vậy, nắm được những quy định về việc phân chia di sản thừa kế không chỉ giúp người được hưởng di sản thừa kế có thể dễ dàng, chủ động thực hiện được quyền thừa kế của mình mà quan trọng hơn được chuyển quyền sở hữu đối với di sản thừa kế một cách hợp pháp, an toàn.