Quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân
Hôn nhân là mối quan hệ đặc biệt của hai bên nam nữ được pháp luật công nhận và bảo hộ. Quyền và nghĩa của công dân trong hôn nhân cũng được quy định tại Luật Hôn nhân gia đình hiện hành, đồng thời thể hiện cụ thể hơn trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Cùng Phan Law Vietnam tìm hiểu kỹ hơn về những tiêu chí này ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
Mục lục
Quyền của vợ chồng trong hôn nhân
Các quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân không thể không nhắc đến quyền nhân thân của vợ chồng. Mục 1 Chương III Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã tập trung quy định rõ về những quyền, nghĩa vụ về nhân thân này, với nội dung chính bao gồm:
- Quyền được bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng
- Bảo vệ quyền, nghĩa vụ về nhân thân của vợ, chồng
- Quyền được yêu thương, chăm sóc, chung thủy, được tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín
- Quyền được tôn trọng về học tập, làm việc, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội
- Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giao
Ngoài ra, tại Điều 3 Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được ban hành chung với Quyết định Số: 4843/QĐ-BVHTTDL, những tiêu chí ứng xử chung vợ chồng bao gồm:
“a) Tôn trọng: Đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, phẩm giá và lợi ích của nhau.
b) Bình đẳng: Có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình.
c) Yêu thương: Có tình cảm gắn bó tha thiết, quan tâm chăm sóc nhau.
d) Chia sẻ: Cùng nhau vun đắp tình cảm, chia sẻ với nhau vui buồn, khó khăn, hoạn nạn.”
Đây cũng chính là quyền của mỗi bên vợ, chồng trong mối quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận và bảo hộ.
Nghĩa vụ của vợ chồng trong hôn nhân
Nghĩa vụ của vợ chồng trong hôn nhân trước hết chính là đảm bảo thực hiện được các quyền mà bên còn lại được bảo hộ. Ví dụ đối với quyền được yêu thương, chăm sóc, chung thủy thì mỗi bên vợ, chồng cũng phải đảm bảo được nghĩa vụ của mình như quy định ở Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”.
Vợ chồng có nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân, trong đời sống xã hội hàng ngày. Các hoạt động đời sống riêng của mỗi bên cũng đồng thời cần sự tôn trọng như: giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau; nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Mỗi bên vợ, chồng cần đảm bảo được các quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân để có thể xây dựng gia đình của mình hạnh phúc, bền vững. Trở thành “tế bào” lành mạnh góp phần phát triển xã hội, đất nước.