Quyền nuôi con khi ly hôn đơn phương
Khi giải quyết ly hôn, một trong những tranh chấp phổ biến nhất của các cặp vợ chồng là giành quyền nuôi con. Trên thực tế, đã có rất nhiều cặp vợ chồng chấp nhận sống chung với nhau dù không còn hạnh phúc vì suy nghĩ đến tương lai của con trẻ. Tuy cũng có rất nhiều người lựa chọn giải pháp ly hôn để ổn định cuộc sống mới, nhưng vấn đề họ trăn trở nhiều nhất là quyền nuôi con sẽ thuộc về ai khi vợ chồng chưa thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi dưỡng con khi ly hôn. Vậy Tòa án sẽ căn cứ vào đâu để phân chia quyền nuôi con khi ly hôn đơn phương?
Xem thêm
Quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi
Khi không đăng ký kết hôn quyền nuôi con sẽ thuộc về ai
Dành quyền nuôi con trên 3 tuổi khi ly hôn
Mục lục
Ly hôn theo yêu cầu của một bên
Ly hôn theo yêu cầu của một bên (hay còn gọi là đơn phương ly hôn) được hiểu là việc ly hôn khi vợ hoặc chồng không đồng thuận giải quyết một hoặc toàn bộ các vấn đề như: quan hệ hôn nhân; con chung; tài sản chung; nợ chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp đó. Căn cứ để Tòa án giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên bao gồm:
Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn của cha, mẹ, người thân thích khác của một bên vợ, chồng bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Quyền nuôi con khi ly hôn đơn phương sẽ thuộc về ai?
Căn cứ theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn nêu rõ:
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của pháp luật. Vợ chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.
Trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Căn cứ chứng minh đủ điều kiện giành quyền nuôi con sau khi ly hôn như thế nào?
Khi vợ/ chồng có tranh chấp về quyền nuôi con khi ly hôn thì Tòa án sẽ xem xét đến một số các yếu tố cơ bản dưới đây để quyết định ai sẽ là người đủ điều kiện trực tiếp nuôi con, cụ thể là:
Điều kiện về vật chất
Về chỗ ở: Khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về con chung, vợ hoặc chồng cần cung cấp giấy tờ để chứng minh có chỗ ở hợp pháp, ổn định sau khi ly hôn, ví dụ như Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; Bản sao có chứng thực Hợp đồng thuê nhà ở…
Về thu nhập hàng tháng: Cần chứng minh được vợ hoặc chồng đang có thu nhập ổn định và hợp pháp để có thể nuôi dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn. Điều này có thể được chứng minh thông qua Bảng lương hoặc Giấy xác nhận về thu nhập nơi cơ quan, tổ chức nơi vợ hoặc chồng công tác, làm việc.
Điều kiện về tinh thần
Về thời gian chăm sóc con: Cần chứng minh được bản thân có đủ thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ con sau khi ly hôn. Yếu tố này đóng vai trò quan trọng bởi chỉ khi cha, mẹ dành đủ thời gian cho con thì đứa trẻ mới có thể cảm nhận được sự che chở cũng như tình cảm của cha mẹ dành cho mình.
Về nhân cách đạo đức: Một khía cạnh nữa cũng sẽ được Tòa án xem xét khi giải quyết tranh chấp về con chung đó là nhân cách đạo đức của hai bên vợ chồng. Theo đó, vợ chồng cần thu thập chứng cứ chứng minh bản thân có nhân cách đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, yêu thương con cái và gia đình.
Về môi trường sinh sống: Về điều kiện này Tòa án sẽ xem xét cha mẹ có sống trong môi trường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội hay sống trong môi trường độc hại, thiếu thốn gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sự phát triển của con cái hay không? Các điều kiện về cơ sở vật chất y tế. trường học, khu vui chơi giải trí và các điều kiện khác đảm bảo cho sự phát triển của con có đảm bảo hay không?
Một số điều kiện khách quan khác
Ngoài các điều kiện về vật chất và tinh thần nêu trên để chứng minh những lợi thế của bản thân khi giành quyền nuôi con, các bên đương sự cũng cần bổ sung thêm các chứng cứ chứng minh thể hiện những bất lợi của đối phương như: Công việc không ổn định hoặc không có công việc tạo ra thu nhập; thời gian làm việc không cố định, thường xuyên phải làm việc tăng ca vào ban đêm; có hành vi bạo lực đánh đập con;….
Tóm lại, trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành và các căn cứ để chứng minh về điều kiện để giành quyền nuôi con khi ly hôn, Tòa án sẽ xem xét, quyết định giao con cho một bên vợ hoặc chồng được trực tiếp nuôi dưỡng nhằm đảm bảo tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của con.