Tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con khi Ly hôn
Khi hôn nhân chấm dứt theo hướng thuận tình, thì quyền trực tiếp nuôi con là do vợ chồng tự thỏa thuận. Khi tình yêu không còn, ly dị là hệ quả tất nhiên. Hôn nhân đi vào ngõ cụt là điều mà chẳng ai muốn nhất là với người ta đã từng quyết định gắn kết cả đời… Ly hôn không chỉ là quyết định của cha mẹ mà còn ảnh hưởng đến con cái. Tuy nhiên, những trường hợp vợ chồng tranh chấp quyền nuôi con thì quyết định này thuộc về Tòa án. Câu hỏi được đặt ra: vậy Tòa án căn cứ vào đâu để ra quyết định, có phải là dựa vào nguyện vọng của con?
Theo khoản 02 điều 81 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định về việc nuôi con như sau: Vợ, chồng là người thỏa thuận về quyền trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trong trường hợp tranh chấp quyền nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Trong những vụ án ly hôn, việc hỏi ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên là việc bắt buộc, Tòa án lấy đó làm cơ sở để xem xét và ra quyết định cuối cùng. Việc hỏi nguyện vọng của con để con nói lên tâm tư, nguyện vọng và quyết định ai được hưởng quyền trực tiếp nuôi con. Khi cha mẹ tranh chấp quyền nuôi con, Tòa án sẽ xem xét các điều kiện về việc chăm sóc nuôi dưỡng cũng như tình cảm, đạo đức, phương pháp nuôi dạy con cái,… của cả cha và mẹ. Những căn cứ này nhằm mục đích bảo vệ tốt nhất sự phát triển mọi mặt của con. Ý kiến của con chỉ là tham khảo chứ không có ý nghĩa quyết định cuối cùng, nhưng đó là cơ sở căn cứ cần thiết để Tòa án xem xét để giúp con tìm được người nuôi dưỡng tốt nhất.
Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2000, nguyện vọng của con được xem xét khi con 9 tuổi. Tuy nhiên điều này đã thay đổi ở Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế khi mà nhận thức của trẻ ngày càng cao.
Như vậy, khi ly hôn nếu vợ chồng tranh chấp quyền trực tiếp nuôi con, và không ra được quyết định ai là người có quyền trực tiếp nuôi con, thì Tòa án sẽ giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt cũng như nguyện vọng của con để quyết định ai sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng con.