THAY ĐỔI HỌ CHO CON SAU KHI LY HÔN
Theo như Bộ luật Dân sự, mỗi cá nhân đều có quyền có họ tên và Pháp luật cũng đồng thời đồng ý về quyền thay đổi họ tên trong một số trường hợp nhất định. Ngày nay, khi tình trạng ly hôn ở Việt Nam ngày càng gia tăng đáng kể, vì một số lý do chủ quan mà cha hoặc mẹ có nguyện vọng thay đổi họ cho con sau khi ly hôn. Vậy thay đổi họ cho con sau khi ly hôn có được không?
Xét về mặt khách quan, việc thay đổi họ tên cho con của mỗi cá nhân là việc không hề khó, nếu thỏa mãn những yêu cầu của Pháp luật.
Mục lục
Cha, mẹ được phép thay đổi họ cho con sau khi ly hôn
Theo quy định của Pháp luật hiện hành, mọi cá nhân đều có quyền có họ tên, và họ tên được xác định dựa vào họ tên trên giấy khai sinh của cá nhân đó. Vì nhiều lý do khác nhau, nếu cá nhân ấy muốn thay đổi họ tên, thì vẫn được chấp nhận và Pháp luật cũng có quy định rất rõ các trường hợp cụ thể được phép thay đổi họ tên.
Xét về việc thay đổi họ cho con sau khi ly hôn thường xảy ra khi con mang họ của người cha. Sau khi hai vợ chồng ly hôn, quan hệ hôn nhân giữa hai người chấm dứt và người vợ giành được quyền nuôi con nên người vợ thường muốn đổi họ cho con nhằm cắt đứt quan hệ với chồng cũ.
Tại điểm d của khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp thay đổi cho con, từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại. Việc thay đổi họ tên cho người từ đủ 9 tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người ấy.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 36 Nghị định 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch đã cho phép một số trường hợp được thay đổi, cải chính liên quan đến hộ tịch. Trong đó, nếu có lý do chính đáng, cá nhân có thể thay đổi họ, tên, chữ đệm đã đăng ký trong giấy khai sinh theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Như vậy, cha hoặc mẹ có quyền yêu cầu thay đổi họ cho con sau khi ly hôn nếu lý do thay đổi là chính đáng, đặc biệt là vì quyền và lợi ích hợp pháp của con, đồng thời có sự đồng ý của con nếu con đủ 9 tuổi trở lên.
Thay đổi họ cho con sau khi ly hôn cần có sự đồng thuận của hai người
Theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng”. Như vậy có nghĩa là cả hai vợ chồng đều có quyền và nghĩa vụ đối với con cái của mình dù cho đó là trong trường hợp quan hệ hôn nhân chấm dứt.
Nếu cha hoặc mẹ muốn thay đổi họ cho con sau khi ly hôn phải có sự đồng thuận của cả hai bên và trong trường hợp con từ 9 tuổi trở lên, cần có sự đồng ý của con về việc thay đổi này.
Trường hợp nào không được thay đổi họ cho con sau khi ly hôn
Để tránh tình trạng yêu cầu thay đổi họ cho con sau khi ly hôn nhằm mục đích cản trở quyền và nghĩa vụ của cha hoặc mẹ trong việc cấp dưỡng, thăm nom, chăm sóc con, chia rẽ tình cảm giữa cha mẹ và con cái, thì bị xem là không có lý do chính đáng và không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận.
Thủ tục thực hiện việc thay đổi họ cho con sau khi ly hôn
a. Cơ quan thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ cho con sau khi ly hôn
Cơ quan thẩm quyền giải quyết việc thay đổi họ cho con là Ủy ban nhân dân. Trong đó:
- Ủy ban nhân dân cấp xã giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho người dưới 14 tuổi.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết việc thay đổi, cả chính hộ tịch cho người từ đủ 14 tuổi trở lên.
Như vậy, tùy độ tuổi của con mà cha mẹ sẽ nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc xã.
b. Thời hạn giải quyết hồ sơ thay đổi họ cho con sau khi ly hôn
Trong 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Phòng Tư pháp sẽ ghi vào sổ đã đăng ký khai sinh trước đây quyết định về việc thay đổi họ tên. Trường hợp cần phải xác minh, thời hạn giải quyết chỉ được thêm không quá 5 ngày.
c. Hồ sơ thay đổi họ cho con sau khi ly hôn
Khi thay đổi họ cho con, vợ hoặc chồng cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Đơn xin thay đổi, cải chính họ, tên cho con (theo mẫu), nếu con trên 9 tuổi cần có sự đồng ý của con trong tờ khai;
- Giấy khai sinh bản chính của con;
- Các giấy tờ liên quan để làm căn cứ cho việc thay đổi (chứng minh nhân dân, hộ khẩu,…).
Như vậy, trong trường hợp vợ hoặc chồng muốn thay đổi họ cho con sau khi ly hôn, cần phải đưa ra bằng chứng thiết thực để chứng minh việc thay đổi này là hợp tình hợp lý. Nếu con trên 9 tuổi, chúng ta cần tôn trọng ý nguyện của con trước khi thực hiện thủ tục thay đổi.