THỎA THUẬN VỀ CHẾ ĐỘ TÀI SẢN GIỮA VỢ CHỒNG BỊ VÔ HIỆU KHI NÀO?
Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng mong muốn thỏa thuận rõ ràng về tài sản trước khi kết hôn để đảm bảo quyền lợi cá nhân của mình. Nhưng thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ chồng bị vô hiệu khi nào?
Mục lục
Thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ chồng
Luật Hôn nhân gia đình 2014 có hiệu lực ghi dấu sự chấp nhận về thỏa thuận tài sản. Các cặp vợ chồng có quyền lập thỏa thuận về chế độ tài sản. Ở các nước khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội, chế độ sở hữu, truyền thống, phong tục, tập quán,… mà có chế độ tài sản giữa vợ chồng khác nhau.
Tại Việt Nam, vợ chồng có quyền lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc chế độ tài sản theo luật định. Theo pháp luật hiện hành, thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng được hiểu đơn giản là trước khi kết hôn, hai bên nam, nữ thỏa thuận tài sản nào là tài sản riêng, tài sản nào là tài sản chung của vợ chồng, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và các vấn đề liên quan khác.
Việc thỏa thuận này phải được lập thành văn bản, có công chứng hoặc chứng thực và có hiệu lực từ ngày cả hai bên nam, nữ đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp theo luật định, thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ chồng bị vô hiệu.
Vô hiệu thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ chồng
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 luật hôn nhân gia đình 2014, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu trong những trường hợp sau:
Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch
Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan như điều kiện về năng lực hành vi, năng lực pháp luật của vợ chồng, nội dung thỏa thuận không vi phạm điều cấm, vi phạm đạo đức xã hội,…
Vi phạm quy định của Luật Hôn nhân gia đình 2014
- Không bình đẳng trong việc xác lập quyền với tài sản;
- Không thể đảm bảo việc đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Không có sự thỏa thuận dẫn đến vi phạm quy định giao dịch liên quan tới nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng.
Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình
Nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác. Trong trường hợp, thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ chồng nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật Hôn nhân gia đình.
Bên cạnh đó, cũng có trường hợp thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ chồng này nhằm mục đích tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật Hôn nhân gia đình và pháp luật khác có liên quan quy định.
Khi cho rằng thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ chồng vô hiệu thì một trong các bên hoặc người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (như người được cấp dưỡng,…) có quyền yêu cầu Tòa án tuyên thỏa thuận vô hiệu.
Trường hợp thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng. Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
Như vậy, khi lựa chọn áp dụng thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợ chồng các bên nên cân nhắc và tìm hiểu kỹ về đối tượng sẽ là vợ/chồng của mình để tránh trường hợp bị tuyên vô hiệu ảnh hưởng tới mối quan hệ của hai bên.