Thủ tục giành quyền nuôi con sau ly hôn thế nào?
Trong cuộc sống hôn nhân, không ít trường hợp dẫn đến việc ly hôn khiến các vấn đề liên quan đến con cái trở nên phức tạp và nhạy cảm. Thủ tục giành lại quyền nuôi con sau ly hôn là một quá trình đòi hỏi sự tỉ mỉ và hiểu biết về pháp luật gia đình. Dưới đây là hướng dẫn bạn các bước quan trọng và những yêu cầu cần thiết để đảm bảo quyền lợi của con, bài viết này cũng sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc và tìm hiểu cách thực hiện thủ tục giành lại quyền nuôi con sau ly hôn một cách chi tiết và rõ ràng.
Mục lục
1. Có thể giành quyền nuôi con sau khi có Bản án của Tòa án không?
Bạn có thể giành lại quyền nuôi con sau khi có bản án của Tòa án. Để làm điều này, theo Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, bạn cần chứng minh rằng người có quyền nuôi con sau ly hôn không còn đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con (về mặt sức khỏe, tinh thần, học tập…) và bạn phải đáp ứng đủ điều kiện để bảo đảm quyền lợi của con bạn hơn so với vợ/chồng của bạn. Dựa trên những căn cứ này, Tòa án sẽ ra phán quyết thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Nếu bạn và vợ/chồng đồng ý về quyền nuôi con, bạn có thể yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình quyền nuôi con. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, tranh chấp quyền nuôi con sẽ được Tòa án giải quyết theo Điều 28 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bạn có thể gửi đơn khởi kiện và cung cấp chứng cứ liên quan đến Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ/chồng bạn đang cư trú.
2. Ai được giành quyền nuôi con?
Theo quy định sau khi ly hôn, Tòa án sẽ giao quyền trực tiếp nuôi con cho một trong hai bên vợ hoặc chồng có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Do đó, khi yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, trước hết người quyền sẽ là cha, mẹ của đứa trẻ đó.
Cụ thể, khoản 1 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:
– Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
– Theo quy định này, người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn là cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức khác.
– Trong đó, căn cứ khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì các cá nhân, tổ chức sau đây có quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con gồm:
- Người thân thích. Khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình giải thích, đây là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, có cùng dòng máu về trực hệ và có họ trong phạm vi ba đời. Do đó, người thân thích có thể là ông, bà, cô, dì, chú, cậu, mợ…
- Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, trẻ em: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
- Hội Liên hiệp phụ nữ.
3. Thủ tục giành quyền nuôi con sau ly hôn
Thủ tục giành quyền nuôi con sau ly hôn được thực hiện như sau:
3.1 Thẩm quyền giải quyết yêu cầu giành quyền nuôi con sau ly hôn
Việc giành quyền nuôi con sau ly hôn (yêu cầu thay đổi quyền nuôi con sau ly hôn) là một trong những thủ tục tố tụng dân sự. Do đó, thủ tục này được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, cụ thể như sau:
Theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình, việc thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn có thể là vụ án tranh chấp nếu cha, mẹ không thỏa thuận được hoặc do người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện dẫn đến người còn lại hoặc cá nhân, tổ chức khác phải khởi kiện để thay đổi người nuôi con.
Theo đó, tranh chấp (không thỏa thuận được mà phải khởi kiện) hay yêu cầu (thỏa thuận được) về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Căn cứ theo khoản 1 và khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết việc tranh chấp hoặc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Đồng thời, điểm i khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“i) Tòa án nơi một trong các bên thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết yêu cầu công nhận sự thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.”
Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì Tòa án nơi người con đang cư trú có thẩm quyền giải quyết;
Do đó, thẩm quyền giải quyết yêu cầu giành quyền nuôi con sau ly hôn là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi một trong hai bên thỏa thuận thay đổi nuôi con cư trú, làm việc hoặc Tòa án cấp huyện nơi người con đang cư trú.
3.2 Hồ sơ cần chuẩn bị để giành quyền nuôi con sau ly hôn
Hồ sơ cần chuẩn bị để giành quyền nuôi con sau ly hôn bao gồm:
- Đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con hoặc đơn khởi kiện yêu cầu thay đổi quyền nuôi con.
- Quyết định, bản án ly hôn đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
- Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu còn hạn, sổ hộ khẩu.
- Giấy khai sinh của con.
- Các chứng cứ chứng minh cho việc khởi kiện thay đổi quyền trực tiếp nuôi con (áp dụng trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc khởi kiện thay đổi quyền nuôi con khi người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để nuôi con).
3.3 Thời gian giải quyết thủ tục giành quyền nuôi con sau ly hôn
Tùy vào từng hình thức yêu cầu thay đổi người nuôi con sau ly hôn sẽ quyết định thời gian giải quyết nhanh hay chậm:
- Khởi kiện: Thông thường thời gian giải quyết sẽ là 04 – 06 tháng.
- Yêu cầu: Thông thường thời gian giải quyết sẽ là 02 – 03 tháng.
Thông qua bài viết trên đây, Quý khách hàng đã hiểu được sau khi ly hôn, một trong hai bên bố mẹ có thể yêu cầu giành lại quyền nuôi con, thủ tục giành quyền nuôi con thế nào. Hy vọng bài viết có ích với tất cả các bạn. Nếu còn điều gì thắc mắc, hãy liên hệ ngay với Luật sư chúng tôi để được biết thêm chi tiết nhé.