Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài gồm mấy bước?
Mục lục
1. Thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài là gì?
Tại Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định về việc ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau:
Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Do đó, trong trường hợp cả hai người chồng chia tay trên tinh thần tự nguyện và đã có thỏa thuận về tài sản, quyền nuôi con và các vấn đề liên quan, thì có thể tiến hành ly hôn có yếu tố nước ngoài theo quy định hiện hành.
2. Các trường hợp được xác định là thuận tình ly hôn có yếu tố nước ngoài
Theo quy định của Khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì các trường hợp được xác định là quan hệ hôn nhân và gia đình yếu tố nước ngoài bao gồm:
Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập; thay đổi; chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài; phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Theo quy định, để được coi là trường hợp ly hôn thuận tình có yếu tố nước ngoài, cần phải đảm bảo ba điều kiện quan trọng sau:
- Cả hai đều mong muốn ly hôn và đã cùng nhau ký vào đơn ly hôn.
- Đã có thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến con cái và đảm bảo quyền lợi của con cái.
- Có thỏa thuận về tài sản.
Ly hôn có yếu tố nước ngoài có thể tiến hành theo yêu cầu của cả hai bên hoặc một bên. Nếu cả hai người đều mong muốn ly hôn và đã thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến con cái và tài sản, thì trường hợp này sẽ được coi là ly hôn do yêu cầu của cả hai bên, hay nói cách khác, là một cuộc ly hôn thuận tình. Nếu một trong ba điều kiện trên không được đáp ứng, trường hợp này sẽ được xem là ly hôn đơn phương với người nước ngoài.
3. Cơ quan thẩm quyền nào chịu trách nhiệm giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài?
Thẩm quyền giải quyết các vụ ly hôn được quy định theo Điều 123, Khoản 1 Điều 127 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, cùng với các quy định tại Điều 28, 35, 37 và 40 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
Theo Khoản 3 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, trong những trường hợp khi có tranh chấp hoặc yêu cầu liên quan đến người hoặc tài sản ở nước ngoài, hoặc khi cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, hoặc cho Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, thì thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về Tòa án nhân dân cấp Tỉnh.
Do đó, hầu hết các trường hợp giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài thường nằm trong thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp Tỉnh.
Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt trong thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện như sau:
- Khi yêu cầu ly hôn có yếu tố nước ngoài, nhưng đương sự và tài sản đều ở Việt Nam và không cần thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp quốc tế.
- Khi Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam giải quyết các vấn đề như hủy việc kết hôn trái pháp luật, ly hôn, tranh chấp quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con cái, quyền nuôi con cái và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú tại khu vực biên giới gần với công dân của nước láng giềng cư trú tại khu vực biên giới gần với Việt Nam, theo quy định của Bộ luật và các quy định pháp luật khác của Việt Nam.
4. Trình tự, thủ tục xin ly hôn có yếu tố nước ngoài
Bước 1: Đầu tiên, người muốn ly hôn sẽ viết đơn xin ly hôn và chuẩn bị bộ hồ sơ tương ứng, bao gồm:
- Đơn xin ly hôn.
- Bản sao Giấy CMND hoặc giấy chứng thực cá nhân (Hộ chiếu, Thẻ căn cước công dân); Hộ khẩu (có sao y bản chính).
- Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn; nếu mất bản chính giấy chứng nhận kết hôn, cần yêu cầu trích lục tại nơi mà hai vợ chồng đã đăng ký kết hôn.
- Bản sao giấy khai sinh của con cái (nếu có con).
- Bản sao chứng từ, tài liệu liên quan đến quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp).
- Nếu một trong hai bên đã xuất cảnh sang nước ngoài và không thể xác định địa chỉ, cần có xác nhận từ chính quyền địa phương về việc xuất cảnh.
- Nếu việc kết hôn ban đầu được đăng ký tại nước ngoài và sau đó muốn ly hôn tại Việt Nam, cần có hợp thức hóa lãnh sự giấy đăng ký kết hôn và phải thực hiện thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp trước khi nộp đơn xin ly hôn. Nếu không tiến hành ghi chú, trong đơn xin ly hôn phải trình bày rõ lý do không thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn.
Bước 2: Tòa án sẽ thụ lý và kiểm tra hồ sơ. Nếu hồ sơ đúng thẩm quyền và theo quy định pháp luật, Tòa án sẽ phát thông báo yêu cầu người nộp đơn nộp tiền tạm ứng án phí. Người nộp đơn sau đó phải nộp tiền tạm ứng án phí và biên lai tại Tòa án.
Bước 3: Người nộp đơn cần nộp tiền tạm ứng án phí dân sự tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền và cung cấp biên lai tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
Bước 4: Tòa án sẽ tiến hành giải quyết vụ án theo quy trình pháp luật quy định.
Lưu ý: Không nhất thiết phải thông qua quá trình hòa giải tại cơ sở (UBND xã, phường, Công đoàn cơ quan,…). Thực tế, Tòa án có thể mở phiên hòa giải tại tòa và tiến hành thủ tục ly hôn tại Tòa theo thủ tục sơ thẩm.
5. Thời hạn giải quyết và mức án phí của thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định như thế nào?
Thời hạn giải quyết và lệ phí liên quan đến vụ ly hôn có thể thay đổi tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Dựa trên các quy định của pháp luật, thời hạn chuẩn bị xét xử là từ 04 – 06 tháng kể từ ngày Tòa án thụ lý vụ án. Thời hạn mở phiên tòa là từ 01 – 02 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Trong trường hợp ly hôn thuận tình với tài sản chung và đã có thỏa thuận, không phải nộp án phí chia tài sản theo giá ngạch.
Trong trường hợp ly hôn đơn phương, việc đóng án phí sẽ phụ thuộc vào:
- Trường hợp 1: Khi Tòa án chỉ giải quyết quan hệ hôn nhân, án phí ly hôn là 300.000 đồng.
- Trường hợp 2: Khi Tòa án giải quyết quan hệ hôn nhân, tài sản và quyền nuôi con chung, việc tính án phí sẽ phụ thuộc vào giá trị tài sản có tranh chấp:
- Tài sản dưới 6.000.000 đồng: 300.000 đồng.
- Tài sản từ 6.000.000 đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản có tranh chấp.
- Tài sản từ 400.000.000 đến 800.000.000 đồng: 20.000.000 đồng + 4% của phần vượt quá 400.000.000 đồng.
- Tài sản từ 800.000.000 đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng + 3% của phần vượt quá 800.000.000 đồng.
- Tài sản từ 2.000.000.000 đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng + 2% của phần vượt quá 2.000.000.000 đồng.
- Tài sản trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0,1% của phần vượt quá 4.000.000.000 đồng.
Ngoài ra, có mức lệ phí ủy thác tư pháp xác minh ra nước ngoài là 200.000 đồng, tùy thuộc vào từng tình huống cụ thể.Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài mới nhất theo quy định của Pháp luật hiện hành. Nếu bạn đang trong tình trạng đã đăng ký kết hôn với người nước ngoài và hiện tại muốn ly hôn một cách suôn sẻ nhất. Hãy liên hệ ngay văn phòng Phan Law Vietnam bằng cách điền thông tin ở biểu mẫu bên dưới để được luật sư giàu kinh nghiệm hỗ trợ hoàn tất thủ tục càng sớm càng tốt.