Tìm hiểu Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
Chắc hẳn mọi người đã không ít lần được nghe nói đến Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Tuy nhiên, chưa chắc ai cũng biết rõ về loại giấy tờ này. Xác nhận tình trạng hôn nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ trong thủ tục đăng ký kết hôn hay ly hôn mà còn có ý nghĩa trong quá trình chứng minh một tài sản thuộc sở hữu riêng hay tài sản chung? Hãy cùng Phan Law Vietnam theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Mục lục
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được hiểu như thế nào?
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được biết tới là giấy tờ dùng để xác nhận tại thời điểm xin cấp, người yêu cầu đang độc thân hoặc đang trong mối quan hệ hôn nhân với người khác hoặc đã ly hôn.
Là một trong những giấy tờ vô cùng quan trọng khi bạn muốn thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn hoặc khi muốn xác minh quan hệ hôn nhân tại một thời điểm nào đó để làm căn cứ xác định tài sản chung, tài sản riêng, để nhận con nuôi,…
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị sử dụng bao lâu?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, giá trị sử dụng của Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như sau:
- Có giá trị 6 tháng kể từ ngày UBND cấp xã cấp;
- Được sử dụng để thực hiện thủ tục kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác;
- Không có giá trị khi sử dụng vào mục đích khác với mục đích được ghi trong Giấy xác nhận.
Thủ tục cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân diễn ra như thế nào?
Quá trình các bước xin cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được diễn ra như sau:
Bước 1: Chuẩn bị giấy tờ
Cần soạn thảo và cung cấp những giấy tờ sau:
- Đơn xin cấp xác nhận tình trạng hôn nhân theo mẫu;
- Bản án hoặc quyết định ly hôn (nếu trước đó đã thực hiện ly hôn);
- Giấy chứng tử của người vợ, người chồng (nếu người vợ, người chồng đã chết);
- Ghi chú ly hôn, hủy việc kết hôn (người Việt Nam ly hôn, hủy kết hôn ở nước ngoài);
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã được cấp trước đó (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp bộ hồ sơ trên tại:
- UBND cấp xã, nơi thường trú của người Việt Nam, người nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam.
- UBND cấp xã, nơi đăng ký tạm trú nếu người Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú.
Bước 3: Nhận kết quả
Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện. Sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, công chức tư pháp – hộ tịch sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân.
Trường hợp người yêu cầu đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi thì họ phải chứng minh tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp không chứng minh được, công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã để đề nghị UBND cấp xã nơi người đó từng đăng ký thường trú kiểm tra, xác minh tình trạng hôn nhân.
Nếu kết quả xác minh cho thấy người yêu cầu cấp Giấy tình trạng hôn nhân có đủ điều kiện, việc cấp Giấy xác nhận là phù hợp thì UBND cấp xã cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.