Tổ trưởng dân phố xác nhận tình trạng hôn nhân: Thủ tục hành dân?
Thủ tục tố tụng là những quy định pháp luật chặt chẽ, do Quốc hội ban hành. Tuân thủ những quy định về tố tụng là một trong những yêu cầu mà cải cách tư pháp đề ra.
Hiện nay, một số Tòa án quy định hồ sơ ly hôn phải có “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của tổ trưởng tổ dân phố” – câu này được hiểu là giấy do ông tổ trưởng tổ dân phố xác nhận về tình trạng hôn nhân của đương sự.
Theo bản mẫu, Tòa yêu cầu tổ trưởng tổ dân phố trực tiếp viết, xác nhận tình trạng hôn nhân của đương sự với ba nội dung cụ thế: 1. Về mâu thuẫn vợ chồng, yêu cầu xác nhận các mâu thuẫn cụ thể và ghi rõ thời điểm được hòa giải tại tổ dân phố. 2. Về con chung, phải xác nhận là có mấy con chung, ghi rõ tên tuổi. 3. Về tài sản và nhà ở chung, xác nhận có hay không có. Giấy xác nhận này phải có xác nhận của UBND phường về chữ ký của tổ trưởng.
Có thể suy luận thấy mục đích đưa ra quy định là để hạn chế tình trạng ly hôn giả, ly hôn do nóng vội nhất thời, đỡ cho Tòa phải xác minh tìm hiểu khi cần thiết… Tuy nhiên, quy định này gây trở ngại, khó khăn cho đương sự và khó thực hiện.
Trong thực tế, tổ trưởng tổ dân phố khó có thể biết vợ chồng đương sự có mâu thuẫn hay không, mâu thuẫn cụ thể như thế nào, mức độ trầm trọng tới đâu. Có những gia đình vợ chồng đôi khi vẫn cãi lộn, thậm chí đánh nhau nhưng họ không ly hôn. Ngược lại có những gia đình bề ngoài êm ấm, nhưng bên trong họ mâu thuẫn gay gắt và kiên quyết ly hôn. Và mâu thuẫn của họ được giữ kín ngay cả đối với con cái hay cha mẹ trong nhà để tránh tổn thương cho người thân. Phần lớn các trường hợp mâu thuẫn, bất hòa được hòa giải trong gia đình, ít khi nhờ đến sự can thiệp của tổ dân phố. Do đó, xác nhận của tổ trưởng về mâu thuẫn vợ chồng trong trường hợp này là cảm tính. Về con chung, có thể không khó nhưng trong trường hợp hai vợ chồng đương sự có mâu thuẫn về xác định con chung thì tổ trưởng dân phố không có căn cứ để xác nhận.
Về yêu cầu thứ ba, khó khăn hơn nhiều vì phải xác nhận về tài sản chung và nhà ở chung.
Thực tế cho thấy tranh chấp tài sản trong ly hôn là loại tranh chấp rất phức tạp, có nhiều vụ kéo dài. Tổ trưởng dân phố không có quyền và cũng không thể biết đương sự có bao nhiêu tài sản, và càng không thể biết tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản riêng của vợ chồng đương sự. Chưa kể tài sản của người dân ngày nay không đơn giản như thời bao cấp mà đa dạng, phức tạp hơn rất nhiều. Họ ở nơi này nhưng có bất động sản ở nơi khác, có tiền gửi ngân hàng, thậm chí ngân hàng nước ngoài, có khi tài sản là cổ phần, cổ phiếu, là tàu bè đang lưu thông ở đâu đó…
Do đó, những ý kiến xác nhận của tổ trưởng dân phố nếu có cũng chỉ là hình thức và tính xác thực của nó cũng không cao, hay nói cách khác là không chính xác. Do đó, tổ trưởng dân phố hoàn toàn có quyền từ chối xác nhận vì không có đủ cơ sở để xác nhận và để tránh rủi ro. Ví dụ, thấy vợ chồng đương sự ở chung, tổ trưởng xác nhận đó là tài sản chung gồm có ngôi nhà, thì rất có thể bị một trong hai bên đương sự kiện khi họ cho rằng đó là tài sản của riêng họ. Khi tổ trưởng dân phố không xác nhận thì việc ly hôn sẽ không thực hiện được.
Vì vậy, người dân cho rằng, quy định có giấy xác nhận của tổ trưởng dân phố trong hồ sơ ly hôn là một thủ tục mang tính “hành dân”, không cần thiết và không phù hợp với pháp luật.Tương tự như vậy, yêu cầu đương sự ly hôn buộc phải qua hòa giải tại cơ sở được nhiều Tòa áp dụng, dù trong luật không quy định, cũng là điều phải xem xét lại.
Theo congly.com.vn