Xác nhận tình trạng hôn nhân qua nhiều nơi cư trú như thế nào?
Trong quá trình đổi địa chỉ cư trú hoặc chuyển đến nơi mới, việc xác nhận tình trạng hôn nhân là một phần quan trọng để bảo đảm tính chính xác và hợp pháp của thông tin. Bài viết này sẽ tìm hiểu cách xác nhận tình trạng hôn nhân khi có nhiều nơi cư trú khác nhau, đồng thời đi sâu vào các quy định và thủ tục pháp lý liên quan. Quý độc giả sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về cách thức và quan trọng của việc xác nhận tình trạng hôn nhân qua các địa điểm cư trú khác nhau.
Mục lục
1. Xác nhận tình trạng hôn nhân là gì?
Xác nhận tình trạng hôn nhân là một thủ tục hành chính mà cơ quan Nhà nước sẽ thực hiện để xác nhận tình trạng đã kết hôn hay độc thân của một cá nhân. Kết quả của thủ tục này là Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (hay còn gọi là giấy xác nhận tình trạng độc thân. Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có thể sử dụng làm thủ tục kết hôn hoặc làm thủ tục vay vốn, kinh doanh…
2. Thẩm quyền xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân
Điều 21 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định về thẩm quyền cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó đăng ký tạm trú cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
2. Quy định tại Khoản 1 Điều này cũng được áp dụng để cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, nếu có yêu cầu.
Như vậy, thẩm quyền xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã và Uỷ ban xác nhận tình trạng hôn nhân trong các trường hợp:
- Trường hợp công dân Việt Nam có nơi đăng ký thường trú: Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
- Trường hợp công dân không có nơi thường trú nhưng đã đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú.
Cần lưu ý rằng, các quy định trên không chỉ áp dụng cho công dân Việt Nam mà còn cho công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, miễn là có yêu cầu liên quan đến việc xác nhận tình trạng hôn nhân.
3. Xác nhận tình trạng hôn nhân qua nhiều nơi cư trú thế nào?
Trường hợp công dân chỉ có một nơi cư trú thì việc xác định tình trạng hôn nhân đơn giản, không có sự chồng chéo về thẩm quyền của cơ quan hành chính địa phương như trường hợp công dân có nhiêu nơi cư trú.
Để giải quyết vấn đề này, tại khoản 4, Điều 22, Mục 3, Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định: “Trường hợp người yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau, người đó có trách nhiệm chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình. Trường hợp người đó không chứng minh được thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đã từng đăng ký thường trú tiến hành kiểm tra, xác minh về tình trạng hôn nhân của người đó.”.
Theo đó, ví dụ công dân nếu có yêu cầu đề nghị cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân tại UBND nơi đang cư trú (ví dụ UBND phường Cổ Nhuế 1) mà đã từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau (ví dụ UBND phường Định Công, UBND xã Hoàng Mai,..) trước đó thì có trách nhiệm chứng minh cho UBND về tình trạng hôn nhân của mình trong thời gian sinh sống ở phường Định Công và xã Hoàng Mai.
Từ căn cứ này, có thể hiểu, người từng đăng ký thường trú tại nhiều nơi khác nhau có thể chứng minh về tình trạng hôn nhân của mình bằng cách về các địa phương đã từng đăng ký đăng ký thường trú để xin xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian thường trú tại địa phương đó.
Trường hợp công dân không chứng minh được thì nộp hồ sơ và đề nghị UBND phường nơi mình đang cư trú xác minh tình trạng hôn nhân của mình giai đoạn trước ở những địa phương khác. Ví dụ ở đây là UBND phường Cổ Nhuế 1 sẽ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.
Tiếp đó, trong trường hợp không nhận được yêu cầu xác minh theo quy định khoản 4, Điều 22 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, sau thời gian 20 ngày kể từ ngày gửi văn bản xác minh mà không nhận được văn bản trả lời thì cho phép người yêu cầu cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân có văn bản cam đoan về tình trạng hôn nhân của mình theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 04/2020/TT- BTP ngày 28/5/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP nêu trên.
Cho nên, việc xác nhận tình trạng hôn nhân qua nhiều nơi cư trú đòi hỏi sự hiểu biết về các quy định pháp lý cũng như thủ tục hành chính tại từng địa phương. Qua bài viết này, chúng ta đã có cái nhìn tổng quan về quy trình xác nhận tình trạng hôn nhân khi di chuyển đến các địa điểm cư trú khác nhau. Để đảm bảo tính chính xác và thuận lợi, sự hiểu biết kỹ lưỡng và tuân thủ đúng quy trình là quan trọng khi tiếp cận vấn đề này.