Xem xét ý kiến của trẻ khi ly hôn
Khi thực hiện thủ tục ly hôn, vợ chồng cần đưa ra thỏa thuận về tài sản và đặc biệt là về con cái. Theo quy định của pháp luật hiện hành, phải xem xét ý kiến của trẻ khi ly hôn.
Xem xét nguyện vọng của con
Ly hôn là điều không ai mong muốn. Trên thực tế, khi quan hệ giữa hai người không như mong muốn, cuộc sống hôn nhân trở nên quá căng thẳng và không còn hạnh phúc, ly hôn là phương án mà các cặp đôi thường lựa chọn. Có rất nhiều vấn đề vợ chồng phải tự thỏa thuận với nhau khi đăng ký như tài sản, con cái và các vấn đề khác có liên quan.
Trong cuộc chiến tranh chấp quyền nuôi con, nếu vợ chồng không tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện của vợ, chồng để xem xét, so sánh và ra quyết định người trực tiếp nuôi con. Việc đánh giá này nhằm đảm bảo trẻ được sống và phát triển trong môi trường tốt nhất, bởi lẽ, khi cha mẹ chia tay, người tổn thương nhất đó chính là con trẻ.
Vì thế, theo quy định của pháp luật hiện hành tại Khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định: con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con về việc con muốn sống với ai sau khi cha mẹ ly hôn.
Tại điểm này có một số khác biệt so với Luật Hôn nhân gia đình trước đó, khi độ tuổi xem xét ý kiến của con từ 09 tuổi giảm xuống còn 07 tuổi. Tất cả là vì trẻ em ngày nay càng phát triển và ở độ tuổi này thì trẻ đã có những nhận thức cũng như cảm nhận của riêng chúng nên các nhà làm luật cũng đã xem xét để giảm độ tuổi lấy ý kiến của trẻ xuống.
Có bắt buộc phải lấy ý kiến của con trẻ hay không?
Việc xem xét ý kiến của con từ đủ 07 tuổi trở lên là bắt buộc trong vụ án ly hôn. Tuy nhiên, trên thực tế, do không muốn trẻ bị tổn thương nên tại phiên tòa việc yêu cầu sự có mặt của trẻ không bắt buộc.
Do đó, cha mẹ sẽ nộp cho Tòa án văn bản ghi rõ ý kiến và mong muốn của trẻ, trong đó phải có xác nhận bằng chữ ký của cả cha lẫn mẹ và Tòa án sẽ căn cứ vào điều đó để xem xét. Văn bản thể hiện ý kiến của trẻ thường có những nội dung chính như sau:
- Họ và tên của trẻ;
- Năm sinh;
- Hiện đang sống ở đâu và cùng ai;
- Khi cha mẹ ly hôn thì trẻ muốn sống cùng ai;
- Chữ ký của trẻ và cha mẹ.
Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý, ý kiến của trẻ không phải là căn cứ duy nhất để Tòa án quyết định giao quyền trực tiếp nuôi con cho ai mà còn phải xem xét điều kiện của cha mẹ. Mặc dù pháp luật quy định rõ ràng, nhưng việc lấy ý kiến của trẻ cũng khá khó vì cha mẹ thường giấu giếm để trẻ không biết và không làm tổn thương trẻ.
Như vậy, khi cha mẹ ly hôn, việc lấy ý kiến của trẻ trên 07 tuổi là việc làm bắt buộc. Tuy nhiên đây không phải là căn cứ duy nhất để Tòa án ra quyết định giao trẻ cho ai. Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định ly hôn để tránh những tổn thương tâm lý cho con trẻ.