Xin giấy chứng nhận độc thân ở đâu?
Giấy chứng nhận độc thân là loại giấy tờ cần thiết trong các giao dịch dân sự như giao dịch hoặc thực hiện một thủ tục pháp lý nào đó như đăng ký kết hôn, vay vốn thế chấp,… Vậy xin giấy chứng nhận độc thân ở đâu? Cần làm những thủ tục gì để xin được giấy chứng nhận độc thân. Cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết hôm nay.
Mục lục
1. Xin giấy chứng nhận độc thân ở đâu?
Thẩm quyền cấp giấy xác nhận hôn nhân được thực hiện theo Điều 21 Nghị định 123 năm 2015:
– Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam hoặc của công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, nếu có yêu cầu.
– UBND cấp xã, nơi công dân đăng ký tạm trú nếu công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú.
– Khoản 5 Điều 12 Thông tư 04/2020 nêu rõ, có 02 trường hợp không cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân gồm:
- Kết hôn với người cùng giới tính;
- Kết hôn với người nước ngoài tại Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Số bản cấp: Theo Điều 12 Thông tư 04/2020/TT-BTP thì số bản cấp được xác định như sau:
– Cấp 01 bản nếu sử dụng vào mục đích kết hôn.
– Cấp theo số lượng được yêu cầu nếu sử dụng vào mục đích khác không phải để kết hôn.
Thời gian cấp: Được nêu cụ thể tại Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Lệ phí cấp: Theo Điều 5 Thông tư số 85/2019/TT-BTC, lệ phí trong trường hợp này sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Miễn lệ phí cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.
Tại Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận độc thân :
Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 Luật hộ tịch (sau đây gọi là yêu cầu đăng ký hộ tịch) được uỷ quyền cho người khác thực hiện thay; trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con thì không được ủy quyền cho người khác thực hiện, nhưng một bên có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền, không phải có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Theo Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì hồ sơ xin cấp chứng nhận độc thân bao gồm:
- Tờ khai theo mẫu.
- Các giấy tờ khác bao gồm:
- Bản án hoặc quyết định ly hôn (nếu có);
- Giấy chứng tử của vợ/chồng (nếu có);
- Ghi chú ly hôn, hủy việc kết hôn (công dân Việt Nam ly hôn, hủy kết hôn ở nước ngoài);
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (đã cấp trước đó nếu có). Nếu không nộp lại thì phải trình bày rõ lý do.
2. Tờ khai xác nhận tình trạng hôn nhân
Mẫu tờ khai cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân được quy định tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Nội dung đối với loại tờ khai này bao gồm:
- Tên Ủy ban nhân dân nơi cấp xác nhận;
- Thông tin nhân thân của người yêu cầu cấp giấy: Họ tên, giới tính, năm sinh, số giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân), nghề nghiệp;
- Thông tin cư trú;
- Thời gian cư trú;
- Tình trạng hôn nhân hiện tại;
- Mục đích sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Hướng dẫn cách ghi mẫu tờ khai cấp xác nhận tình trạng hôn nhân:
- Nếu người yêu cầu là chính bản thân cá nhân mình thì tại mục “quan hệ với người được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân” ghi là bản thân, nếu nhờ bố mẹ xin hộ thì ghi bố ruột hoặc mẹ ruột;
- Mục “Nơi cư trú”ghi theo địa chỉ cư trú hiện nay của người được cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, thường là ghi địa chỉ thường trú;
- Mục “Trong thời gian cư trú tại” khai trong các trường hợp: Người yêu cầu đề nghị cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian đăng ký thường trú trước đây. Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian cư trú ở nước ngoài hoặc trong thời gian cư trú tại Việt Nam trước khi xuất cảnh. Người đang có vợ/chồng yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân từ thời điểm đủ tuổi đăng ký kết hôn cho đến trước thời điểm đăng ký kết hôn. Người đã qua nhiều nơi thường trú khác nhau thì phải ghi cụ thể từng thời điểm thường trú;
- Mục “Tình trạng hôn nhân” phải ghi chính xác về tình trạng hôn nhân hiện tại của người đó: Nếu chưa bao giờ kết hôn thì ghi “Chưa đăng ký kết hôn với ai”. Nếu đang có vợ/chồng thì ghi “Hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông… theo Giấy chứng nhận kết hôn số…, do… cấp ngày… tháng… năm…”. Nếu có đăng ký kết hôn, nhưng đã ly hôn và chưa kết hôn mới thì ghi “Có đăng ký kết hôn, nhưng đã ly hôn theo Bản án/Quyết định ly hôn số… ngày… tháng… năm… của Tòa án nhân dân…; hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai”. Nếu có đăng ký kết hôn, nhưng vợ/chồng đã chết và chưa kết hôn mới thì ghi “Có đăng ký kết hôn, nhưng vợ/chồng đã chết theo Giấy chứng tử/Trích lục khai tử/Bản án số:… do… cấp ngày… tháng… năm…; hiện tại chưa đăng ký kết hôn với ai”.