Quyền thừa kế tài sản khi chồng chết không để lại di chúc
Khi người chồng chết mà không để lại di chúc sẽ phát sinh rất nhiều những tranh chấp từ dòng họ. Vì vậy trong trường hợp pháp luật cũng đã có những dự liệu để tránh xảy ra tranh chấp. Pháp luật ưu tiên bảo vệ vợ con của người đã chết vì vợ là người trực tiếp chung tay tạo nên tài sản của hai vợ chồng; còn con cái là người sẽ thiệt thòi khi người cha mất đi. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu quy định của pháp luật về quyền thừa kế tài sản khi chồng chết không để lại di chúc.
Mục lục
1. Quy định về tài sản chung của hai vợ chồng khi người chồng chết
Khi người chồng chết mà không có di chúc thì sẽ xuất hiện hai loại tài sản cần phân chia là: tài sản chung của vợ chồng và tài sản riêng của chồng chưa có di chúc. Đối với trường hợp chồng chết thì tài sản chung sẽ được chia đôi, trong đó một nửa tài sản sẽ thuộc quyền sử dụng, quyền sở hữu của vợ. Phần tài sản còn lại thuộc về quyền sử dụng, quyền sở hữu của chồng và phần này sẽ được chia thừa kế theo pháp luật Dân sự về Thừa kế.
Phần tài sản chung của vợ chồng được chia theo Luật Hôn nhân gia đình. Luật Hôn nhân và Gia đình mới nhất 2014 đã quy định tại Điều 66 về cách giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên (vợ hoặc chồng) chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết. Cụ thể:
- Vợ sẽ là người quản lý tài sản chung của hai vợ chồng trừ khi chồng trước khi chết chỉ định người quản lý;
- Khi người vợ hoặc người có quyền thừa kế yêu cầu chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác về việc chia tài sản của vợ và chồng từ trước khi chồng qua đời;
- Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gia đình, các con chung hoặc người vợ thì vợ có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Sau khi đã chia tài sản chung thì phần tài sản riêng của người chồng sẽ chia theo pháp luật.
2. Quy định về quyền thừa kế đối với tài sản riêng của người chồng khi chết không để lại di chúc
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì khi người có tài sản mất không để lại di chúc thì chia di sản thừa kế sẽ chia theo pháp luật. Chia thừa kế theo pháp luật là chia phần di sản thừa kế của người chết theo hàng thừa kế, không theo chỉ định của người có di sản.
Hàng thừa kế theo pháp luật được ấn định gồm có ba hàng thừa kế, cụ thể:
Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha, mẹ (gồm cả cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi) của người chết
Hàng thừa kế thứ hai: ông bà nội ngoại; anh, chị, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông bà nội ngoại
Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội; cụ ngoại; bác, chú, cậu, cô, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Di sản thừa kế sẽ chia theo thứ tự từ hàng thừa kế thứ nhất; nếu trong trường hợp hàng thừa kế thứ nhất không còn ai hưởng hoặc từ chối hưởng, không được hưởng, bị truất quyền hưởng di sản thừa kế thì mới xét đến hàng thừa kế thứ hai.
Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết, thì thời điểm mở thừa kế là ngày mà Tòa án xác định người đó đã chết.
Vì vậy khi người chồng chết không để lại di chúc thì người vợ được chia phần tài sản trong phần tài sản chung của hai vợ chồng và một phần trong phần tài sản riêng của chồng dựa trên quyền thừa kế theo pháp luật.
Nếu người chồng đã để lại di chúc bằng văn bản hoặc di chúc miệng trước khi mất thì phần di sản của chồng sẽ được chia cho những người có tên trong nội dung di chúc.
Tuy nhiên, dù di chúc của chồng không để lại phần tài sản nào cho người vợ thì vợ vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015.