Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế không?
Hiện nay, tình trạng ngoại tình không còn là hiện tượng quá xa lạ trong xã hội. Vì vậy, vấn đề con riêng của chồng cũng trở thành vấn đề khá phổ biến và nhức nhối cho mỗi gia đình, đặc biệt là “câu chuyện” phân chia di sản thừa kế. Do đó, bài viết dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra những thông tin cơ bản về việc con riêng có được hưởng thừa kế không giúp những người đang đau đầu về vấn đề này tìm được hướng xử lý.
Mục lục
1. Con riêng của chồng có được hưởng thừa kế không?
Đối với vấn đề con riêng của người chồng hưởng di sản thừa kế hay không sẽ được chia thành các trường hợp sau đây:
1.1. Chia thừa kế theo di chúc
Căn cứ theo Điều 624 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc được định nghĩa như sau “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Theo đó, di chúc chính là ý nguyện, trăng trối cuối cùng của một cá nhân khi muốn định đoạt tài sản của mình sau khi qua đời. Do đó, nếu trong di chúc chỉ định con riêng thừa kế và được quyền hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản thì điều tất yếu, con riêng sẽ được hưởng.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc để con ngoài giá thú hay còn gọi là con riêng của bất kỳ vợ hoặc chồng hưởng gia sản đều khó được chấp nhận. Nhiều gia đình xảy ra tranh chấp tài sản thừa kế, anh em từ mặt nhau cũng từ vấn đề này.
Đặc biệt, nếu khối di sản đó có phần chênh lệch so với con chung do ưu ái thì khả năng tranh chấp giữa các thành viên khá cao. Đồng thời, còn có nhiều vấn đề khác xảy ra như di chúc không hợp pháp hoặc di chúc không được lập thì quyền thừa kế của con riêng sẽ được xác định theo pháp luật.
1.2. Chia thừa kế theo pháp luật
Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật sẽ được xác định như sau:
“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại”.
Như vậy, theo quy định trên, con riêng của chồng dù không phải là chính thức trong quan hệ hôn nhân gia đình nhưng xét theo huyết thống thì vẫn là con đẻ. Do đó, trong trường hợp này, con riêng của người chồng hưởng di sản thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất, ngang bằng với vợ và các con chung của người đã mất.
2. Tại sao pháp luật lại cho phép con riêng của chồng được hưởng di sản?
Có thể thấy, với 02 quy định trên, pháp luật thừa nhận và cho phép con riêng của người chồng hưởng di sản thừa kế từ người cha để lại. Điều này thực chất nhằm thể hiện tinh thần trách nhiệm và tình yêu thương, quan hệ huyết thống giữa cha và con.
Tuy nhiên, người phụ nữ sống chung cùng với người chồng đã mất sẽ không được hưởng bất kỳ tài sản nào. Ngoài ra, căn cứ theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì đây còn là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt hành chính, nghiêm trọng hơn sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt tù lên đến 03 năm.
3. Trường hợp nào thì con riêng không được hưởng di sản thừa kế?
Như đã phân tích ở các phần trên, con riêng của người chồng hưởng di sản thừa kế là điều hoàn toàn có thể và đúng theo pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ, căn cứ theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể là:
“Điều 621. Người không được quyền hưởng di sản
1. Những người sau đây không được quyền hưởng di sản:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.”
Qua Điều 621 của Bộ luật này, có thể thấy con riêng sẽ không được hưởng di sản nếu có những hành vi gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người lập di chúc. Đồng thời, có hành vi lừa dối hoặc cưỡng ép người để lại di sản trong quá trình lập di chúc. Tuy nhiên, nếu người để lại di chúc đã biết nhưng vẫn cho họ được hưởng di sản thì việc con riêng thừa kế di sản là điều hoàn toàn hợp lý.
Có thể thấy, trong một gia đình, ngoài vấn đề tranh chấp tài sản sau ly hôn thì con riêng thừa kế cũng sẽ gây ra tranh chấp tài sản trong gia đình. Dù pháp luật có đề xuất bất kỳ hướng xử lý nào thì cũng khó làm hài lòng các bên tham gia.