TÀI SẢN CHUNG VÀ QUYỀN ĐỨNG TÊN TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG
Hiện nay, còn rất nhiều trường hợp đứng tên tài sản chung của vợ chồng sau khi kết hôn chỉ vợ hoặc chồng. Điều này vô tình làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên còn lại vì nhiều người vẫn không biết những quy định về tài sản chung và những vấn đề liên quan.
Mục lục
Quy định về tài sản chung của vợ chồng
Xác lập quan hệ hôn nhân là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời mỗi người và tài sản chung của cả hai người cũng bắt đầu tính từ cột mốc này. Không chỉ trên phương diện tình cảm, ngay cả pháp luật cũng quy định về việc đứng tên tài sản chung của vợ chồng.
Theo Điều 33 Luật Hôn nhân gia đình, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân…
Nói một cách đơn giản, bất kể tài sản nào thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.
Tuy nhiên, từ trước đến nay trong các gia đình Việt vẫn tồn tại quan niệm người chồng là trụ cột trong gia đình và sẽ thay mặt gia đình trong tất cả mọi việc ngay cả việc đứng tên tài sản chung của vợ chồng. Chính vì vậy, theo một thống kê về Hôn nhân gia đình, hầu hết các tài sản có yêu cầu về đăng ký thì đều chỉ đứng tên một mình người chồng.
Những tài sản chung của vợ chồng phải đăng ký theo quy định
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 sắp có thời hiệu lực trong thời gian tới, tài sản bao gồm động sản và bất động sản. Trong đó, bất động sản bao gồm đất đai, nhà, công trình gắn liền với đất đai,… Còn động sản bao gồm những tài sản không phải bất động sản. Đăng ký tài sản là một thủ tục nhằm bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người có tài sản.
Do đó, bất động sản là tài sản bắt buộc phải đăng ký, còn động sản thì chỉ những trường hợp pháp luật quy định phải đăng ký thì mới tiến hành đăng ký như (tàu bay, tàu biển, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt, cổ vật, di vật, bảo vật, tài sản là vũ khí, vật liệu nổ, phương tiện hỗ trợ).
Quy định về quyền đứng tên tài sản chung của vợ chồng
Trên cơ sở quy định tại Điều 34 Luật Hôn nhân gia đình, Điều 12 Nghị định 126/2014 NĐ/CP có quy định chi tiết quyền đứng tên tài sản chung của vợ chồng rằng: những tài sản chung vợ chồng đã đăng ký mà chỉ ghi tên vợ hoặc chồng, thì người kia có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng để ghi cả tên vợ và chồng.
Trên thực tế, số lượng Giấy chứng nhận quyền tài sản chỉ đứng tên chồng lại chiếm đa số. Vì vậy, kể từ thời điểm Nghị định 126 nêu trên có hiệu lực thì các chính quyền địa phương phải lưu ý việc cấp Giấy chứng nhận đứng tên cả hai vợ chồng đối với tài sản chung, trừ một số trường hợp có thỏa thuận khác.
Đặc biệt, việc đứng tên tài sản chung của vợ chồng thường không được thực hiện với các Giấy chứng nhận cấp trước năm 2004, việc cấp đổi lại Giấy chứng nhận quyền tài sản phải do hai vợ chồng tự thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.