Những lưu ý khi thực hiện thủ tục đơn phương ly hôn tại Tòa án
Đơn phương ly hôn là kết quả không ai mong muốn khi bắt đầu cuộc sống hôn nhân. Thực tế, ly hôn đơn phương được xem là một vụ án dân sự, bạn cần nộp đơn khởi kiện ly hôn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được tiếp nhận và xử lý theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự mà pháp luật đã quy định. Vì vậy, khi đã quyết định thực hiện ly hôn từ một bên, bạn không được bỏ qua các lưu ý trong nội dung bài viết dưới đây.
Mục lục
Chứng minh được lý do đơn phương ly hôn
Pháp luật có hướng dẫn rõ trường hợp Tòa án giải quyết cho ly hôn trong thủ tục đơn phương ly hôn. Cụ thể, Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 có nêu:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.”
Vì vậy, để thủ tục ly hôn đơn phương của bạn đạt kết quả như mong muốn, bạn cần chứng minh được nguyên nhân dẫn đến ly hôn phù hợp với quy định mà pháp luật đã ban hành.
Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ pháp lý cho thủ tục ly hôn
Một trong những rắc rối thường xuyên xảy ra trong trường hợp tự thực hiện thủ tục ly hôn đơn phương, chính là Tòa án từ chối tiếp nhận xử lý đơn khởi kiện ly hôn vì chưa đúng nội dung, chưa đủ hồ sơ, chưa đúng hình thức….
Để có thể giải quyết vấn đề này, từ khi bắt đầu bạn cần chuẩn bị được đầy đủ hồ sơ khởi kiện ly hôn bao gồm các tài liệu sau:
- Đơn khởi kiện ly hôn đảm bảo các nội dung theo quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự hiện hành.
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn bản chính
- Chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hộ khẩu của các bên vợ chồng
- Giấy khai sinh các con chung
- Các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh tài sản chung như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Đăng ký xe; Sổ tiết kiệm…
- Các chứng cứ chứng minh đời sống hôn nhân lâm vào trầm trọng, không thể cứu vãn do bên còn lại có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng.
Giải quyết ly hôn đơn phương khi vắng mặt bị đơn
Thủ tục đơn phương ly hôn xuất phát từ yêu cầu của một bên, vì vậy thông thường bên còn lại sẽ có thái độ bất hợp tác gây khó khăn trong các quá trình hòa giải, thực hiện xét xử. Trong trường hợp bị đơn vắng mặt, trình tự xử lý sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành. Theo đó:
- Vắng mặt bị đơn lần thứ nhất: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 khi Tòa án triệu tập lần thứ nhất, nếu bị đơn vắng mặt thì Hội đồng xét xử sẽ hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
- Vắng mặt bị đơn lần thứ hai: Theo quy định tại Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà bị đơn không có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ. Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố.