Bao nhiêu tuổi thì có thể lập di chúc?
Người lập di chúc là người có tài sản muốn định đoạt tài sản của mình cho người khác hưởng sau khi chết. Họ thể hiện ý chí của bản thân thông qua việc lập di chúc. Theo Điều 609 BLDS 2015, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Kinh doanh trái phép là gì?
Quyền kết hôn của LGBT theo pháp luật Việt Nam
Dịch vụ luật sư tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm
Tuy nhiên, Điều 625 BLDS 2015 đã hạn chế chủ thể có quyền lập di chúc, bao gồm: Người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 của Bộ luật này và người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
Mục lục
Thứ nhất, người thành niên có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS 2015.
Theo Điều 20 BLDS 2015, người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này. Vậy những người thành niên (từ đủ 18 tuổi trở lên) thuộc vào các trường hợp tại điều 22 BLDS 2015 (mất năng lực hành vi dân sự), Điều 23 BLDS 2015 (người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi), Điều 24 BLDS 2015 (nạn chế năng lực hành vi dân sự) mà thỏa mãn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 BLDS 2015 có quyền lập di chúc không? Về vấn đề này, ta cần hiểu rõ:
Người mất năng lực hành vi dân sự quy định tại Điều 22 BLDS 2015 là một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Như vậy, người mất năng lực hành vi dân sự là người không thể nhận thức, làm chủ được hành vi nên không thể đáp ứng điều kiện minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc. Do đó, người mất năng lực hành vi dân sự không thể lập di chúc.
Người thành niên khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi quy định tại Điều 23 BLDS 2015, do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ. Vì vậy, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là đối tượng “lúc tỉnh, lúc mê”. Do đó, nếu người đó đáp ứng được yêu cầu minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc thì họ vẫn có quyền lập di chúc.
Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo Điều 24 BLDS 2015 là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Việc tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là nhằm ngăn chặn việc người này phá tán tài sản gia đình, không liên quan đến vấn đề khả năng nhận thức của người đó. Do đó, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự đáp ứng được yêu cầu minh mẫn sáng suốt trong quá trình lập di chúc cũng có quyền lập di chúc.
Như vậy, không phải tất cả người thành niên là có khả năng lập di chúc mà cần phải đáp ứng được điều kiện về năng lực hành vi dân sự và một số yêu cầu khác của pháp luật mới có quyền lập di chúc.
Thứ hai, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi.
Theo khoản 4 Điều 21 BLDS 2015, người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Một trong những giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý là việc lập di chúc theo Điều 625 BLDS 2015. Pháp luật quy định như vậy bởi lẽ những người ở độ tuổi này thường chưa nhận thức đầy đủ hậu quả của hành vi lập di chúc nên pháp luật quy định cần phải có sự kiểm soát của người đại diện hoặc người giám hộ.
Mặt khác, người lập di chúc phải hoàn toàn tự nguyện, minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép bởi bản chất của di chúc là sự tự nguyện thể hiện ý chí của người lập di chúc mà sự cưỡng ép, đe dọa đã phá vỡ sự thống nhất giữa mong muốn bên trong và thể hiện ra bên ngoài làm mất đi tính tự nguyện của người lập di chúc.
Tóm lại, người từ đủ 15 tuổi trở lên trong tình trạng minh mẫn, sáng suốt, tự nguyện thì có thể lập di chúc (Nếu từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc).