Bạo lực gia đình và tâm lý cam chịu của người phụ nữ Việt Nam
Bạo lực gia đình và tâm lý cam chịu của người phụ nữ Việt Nam trước những bất công trong hôn nhân là điều đã được nói đến nhiều. Đặc biệt là tại các vùng nông thôn…
Bị vợ đòi ly hôn, đập vỡ hơn 330 bát hương trong đêm
Số phận long đong, cô gái trẻ chết dưới tay chồng hề
Quỵt hụi chiếm hơn 6 tỷ đồng, lãnh án 18 năm tù
“Ngày 6 tháng 4 năm 2013, âm lịch ngày 26 tháng 3 năm 2013.
Tự hứa từ giờ tôi sẽ không bao giờ đi với má nữa cho dù ba có giết chết tôi. Nếu lần này ba tôi tha cho tôi thì từ giờ trở đi tôi sẽ không bao giờ tái phạm nữa. Tôi đã nhiều lần làm khổ ba tôi, nhưng ba tôi vẫn giữ tôi lại vì ba tôi yêu thương tôi. Từ giờ tới khi tôi lớn lên thì tôi nhất định sẽ rửa hận cho ba tôi”.
Đó là những dòng “nhật ký” của bé Trần Tự, 9 tuổi, ở xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Sau mỗi trận đòn nhừ tử, Tự đều bị cha – Trần Thới – bắt viết những dòng “nhật ký” hận mẹ thương cha.
Những “bản cung” sau khi bị tra tấn như thế cũng chẳng cứu được Tự thoát khỏi những trận đòn. Hai tháng sau những dòng chữ trên, Tự bị cha đánh thừa sống thiếu chết, may có người làng phát hiện đưa đi viện. Trần Thới bị bắt và bị xử 18 tháng tù giam. Mọi chuyện như thế tưởng đã kết thúc, nhưng rồi hóa ra mẹ con Tự đã làm đúng lời hứa trong “nhật ký” của đứa trẻ: họ quay lại với người cha bạo lực ngay sau khi Thới ra tù.
Chị Lên, mẹ Tự, đã hơn một lần tìm cách thoát khỏi ngôi nhà địa ngục. Một lần chị Lên đã dắt các con chạy vào tận Long An. Lần khác, chị đã nhận được quyết định ly dị của tòa. Nhưng đến hôm nay, chị vẫn đang ngồi trong căn nhà xác xơ đó, bế đứa con hơn một tháng tuổi trên tay, đứa thứ tư mà chị có với người chồng tệ bạc ngay sau khi Thới mãn hạn tù. Chị ngồi đó, mắt vẫn ậng nước và đầy sợ hãi. Lý do của nghịch cảnh ấy: chị không có nơi nào khác để sống.
Sau khi ly dị, chị Lên vẫn phải lần hồi về ở trong căn nhà cũ mà chị đã cùng tạo dựng với chồng. Rồi Thới ra tù, và họ lại “đoàn tụ”. Căn nhà không thể chia đôi, và thật ra ngay từ đầu chị cũng không có ý thức về việc đòi chút tài sản nuôi con khi ly dị. Bị đánh nhiều quá, sợ quá, đến khi ra tòa cũng chỉ muốn nhanh chóng được giải thoát. Có căn nhà, bốn con trâu, mấy sào đất vỡ và đất vườn, chị chỉ khai tài sản chung đúng bốn con trâu cho… nhanh.
Sự thỏa hiệp dễ dàng về tài sản trong những cuộc trốn chạy là đặc điểm thường thấy của nhiều phụ nữ nông thôn. “Bị đánh miết, sợ miết” – chỉ bằng năm từ, chị Hương ở xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) nghẹn ngào giải thích về lý do mình ra đi tay trắng. Chị đã cùng người chồng cũ xây lên một căn nhà tươm tất, nhưng giờ sau khi ly dị, chị đưa con về sống cùng mẹ già trong căn nhà tình nghĩa nhỏ xíu mà chính quyền xây cho bà. Nhà đất không, ruộng vườn không, thứ duy nhất chị được chia là đàn bò. Đàn bò có ba con thì hai con ở lại với người chồng cũ, chị lấy đi được một con bê.
Nước mắt chỉ chực rơi ra trên gương mặt những người đàn bà trốn chạy này khi nói chuyện với tôi. Khi ấy họ chỉ nghĩ đến việc làm cách nào bế được con đi thật nhanh, và vội vàng ghi vào đơn “tự thỏa thuận tài sản” chứ không hề nghĩ đến những hậu quả của việc ra đi tay trắng. Như chị Lên phải quay về từ Long An vì mấy đứa nhỏ không chịu được cảnh sống chui rúc trong nhà trọ.
Còn chị Hương sợ bây giờ đòi chia nhà thì tòa sẽ phân cho chồng chị ở ngôi nhà đó và trả lại cho chị chừng vài chục triệu đồng. Số tiền đó không đủ để chị lo cho con. Chị muốn được sở hữu ngôi nhà, nhưng nếu tòa có phán quyết như vậy, chị cũng không có tiền trả phần chia cho chồng cũ. Tính tới tính lui, lại thêm nỗi sợ từ những trận đòn xưa cũ nên chị cứ nấn ná, “để coi thái độ ảnh ra sao” rồi mới quyết định. Hôm nay, chị vẫn đứng trước cái nhà vốn là của mình, tựa lưng vào cổng sắt, ôm con nhỏ trong tay chỉ biết khóc.