Cách giành quyền nuôi con khi ly hôn
Bố mẹ ly hôn sau một thời gian chung sống là điều mà không đứa con nào mong muốn. Việc thiếu tình thương của một trong hai bên sẽ có tác động tiêu cực tới sự phát triển của đứa trẻ. Vậy làm thế nào để bố hoặc mẹ có nhiều ưu thế hơn trong việc giành nuôi con? Quý bạn đọc hãy cùng chúng tôi tham khảo cách giành quyền nuôi con khi ly hôn dưới đây.
Mục lục
1. Cách giành quyền nuôi con khi ly hôn là gì?
Cách giành quyền nuôi con khi ly hôn là các phương án xử lý và cách thức thực hiện của bố hoặc mẹ khi đưa các các tài liệu, chứng cứ chứng minh liên quan có lợi thế cho mình, trình lên Tòa án khi thực hiện thủ tục ly hôn của bố và mẹ để giành quyền nuôi con về phía mình.
2. Hướng dẫn cách giành quyền nuôi con khi vợ chồng ly hôn
Về nguyên tắc, việc nuôi dưỡng, chăm nom, chăm sóc và giáo dục con cái của bố mẹ được phân chia cụ thể theo Điều 81 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Tuy nhiên, về bản chất, pháp luật vẫn ưu tiên tuân thủ sự thỏa thuận và lựa chọn của bố mẹ đứa trẻ nhiều hơn.
Trong trường hợp, giữa bố và mẹ không thể thỏa thuận được về vấn đề con chung, việc xem xét xem ai có quyền nuôi dưỡng đứa trẻ sẽ dựa vào quyết định của Tòa án. Theo đó, Tòa án sẽ xem xét tất cả yếu tố cần thiết, có thể nhất để quyết định sẽ giao con cho ai nuôi dưỡng.
Vì vậy, để giành quyền nuôi con, những ông bố, bà mẹ phải chứng minh được mình có nhiều ưu thế hơn trong vấn đề này.
Để chứng minh mình đủ điều kiện nuôi con, bố hoặc mẹ có thể tham khảo các cách giành quyền nuôi con khi ly hôn như sau:
2.1. Bố hoặc mẹ có thể chứng minh bên còn lại có hành vi lỗi dẫn đến tình trạng ly hôn của các bên
Việc ly hôn giữa bố và mẹ xảy ra là một điều không bên nào mong muốn. Tuy nhiên, để dẫn đến ly hôn trong một thời gian chung sống có thể là do sự sai phạm của một trong các bên trong mối quan hệ này. Sự sai phạm đó có thể là:
- Có sự bạo lực trong gia đình của bố hoặc mẹ với một bên còn lại.
- Xảy ra tình trạng vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Có nghĩa là, có thể một trong hai bên hoặc cả hai bên ngoại tình.
- Bố hoặc mẹ không thực hiện tốt nghĩa vụ của mình trong hôn nhân, tình trạng kéo dài quá lâu dẫn đến tình trạng một trong các bên còn lại không thể duy trì mối quan hệ hôn nhân đó.
- Việc chứng minh lỗi của một bên còn lại ngoài việc giành lợi thế khi nuôi con, họ còn có thể chứng minh phẩm chất đạo đức của một trong các bên còn lại. Liệu, phẩm chất đạo đức như thế có thể nuôi dưỡng con cái tốt hay không?
Để chứng minh được vấn đề này, bố hoặc mẹ có thể cung cấp các hình ảnh, video hoặc các bản ghi âm liên quan đến vấn đề có lỗi của bên còn lại.
2.2. Bố hoặc mẹ phải chứng minh mình có đủ tài chính hơn để nuôi con
Để chứng minh được vấn đề này, bố hoặc mẹ phải xuất trình được:
- Giấy xác nhận chỗ ở hiện tại: Điều này để chứng minh người bố hoặc mẹ đã có chỗ ở ổn định, có thể cung cấp đủ điều kiện về chỗ ở cho con.
- Chứng minh thu nhập thực tế mà bố hoặc mẹ nhận được: Bố hoặc mẹ có thể căn cứ dựa trên hợp đồng lao động hoặc các hợp đồng cộng tác viên đối với các công việc làm thêm (nếu có) để có đủ chi phí sinh hoạt của cả mẹ và con.
Trong trường hợp, cả hai bên bố và mẹ đều chứng minh được nguồn thu nhập của mình, Tòa án sẽ xem xét dựa trên việc nguồn thu nhập của ai cao và ổn định hơn.
2.3. Bố hoặc mẹ phải chứng minh mình có đủ điều kiện về tinh thần hơn để nuôi con
Trẻ em là một lứa tuổi cần đặc biệt quan tâm và chăm sóc. Môi trường sống và cách thức sinh hoạt sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới hướng phát triển của trẻ nhỏ. Vì vậy, để đảm bảo cho đứa trẻ được phát triển một cách toàn diện, Tòa án cũng sẽ dựa trên việc bố hoặc mẹ có thể cung cấp đầy đủ yếu tố tinh thần cho con.
Trước tiên, bố hoặc mẹ có một chỗ ở ổn định, lâu dài, môi trường sống tốt sẽ là một trong những yếu tố làm cho tính cách của đứa trẻ có nhiều sự tích cực hơn.
Nguồn tài chính của bố hoặc mẹ được đảm bảo cũng góp phần giúp con được học tập và sinh sống ở môi trường tốt.
Đồng thời, việc ai dành thời gian chăm sóc và dạy bảo con cái, dành thời gian vui chơi cho con nhiều hơn cũng là một trong những yếu tố để Tòa xem xét.
2.4. Bố hoặc mẹ chứng minh bên còn lại có hành vi bạo lực, đánh đập con cái
Để chăm sóc tốt cho con cái, bố hoặc mẹ phải có một tình yêu thương nhất định đối với con. Việc bố hoặc mẹ có hành vi đánh đập, bạo lực đối với con cái vừa là một hành vi vi phạm pháp luật vừa là một hành vi vi phạm đạo đức.
Việc bố hoặc mẹ chứng minh được bên còn lại có hành vi bạo lực với con, không quan tâm, và dành thời gian của mình cho con cái sẽ giúp họ có nhiều ưu thế để giành quyền nuôi con hơn.
3. Quyền và nghĩa vụ của bố hoặc mẹ đối với con cái khi không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Mặc dù sau cuộc ly hôn, có thể bố hoặc mẹ không được trực tiếp nuôi con nhưng họ vẫn có quyền và nghĩa vụ nhất định đối với con cái.
Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cụ thể về vấn đề này như sau:
Bố hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con khi sống chung với người đang trực tiếp nuôi con.
Mặc dù không trực tiếp nuôi con nhưng bố hoặc mẹ vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng cho con sẽ phụ thuộc vào thu nhập, khả năng tài chính thực tế của người không trực tiếp nuôi con.
Mặc dù bố hoặc mẹ không có quyền được trực tiếp nuôi con nhưng họ vẫn có quyền thăm nom và chăm sóc con cái mà không ai được phép cản trở.
Ngoài ra, nếu trong trường hợp bố hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con nhưng lại lạm dụng vào việc thăm nom con để có hành vi cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu tới việc nuôi dưỡng con cái thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con của người còn lại.