Cách viết mẫu đơn khởi kiện chia tài sản sau ly hôn
Tranh chấp tài sản sau ly hôn đã trở thành vấn đề phức tạp, khó khăn trong quá trình giải quyết của Tòa án. Bởi lẽ, khi yêu cầu được xem xét và thụ lý, các bên đều mong muốn bản thân được giành nhiều lợi ích hơn so với đối phương. Tuy nhiên, trước đó, vợ hoặc chồng phải chuẩn bị mẫu đơn khởi kiện chia tài sản sau ly hôn. Vậy cách viết loại văn bản này theo đúng pháp luật sẽ như thế nào?
Mục lục
1. Đơn khởi kiện chia tài sản sau ly hôn là gì?
Đơn khởi kiện chia tài sản sau ly hôn được hiểu là văn bản hành chính do cá nhân có tranh chấp về tài sản sau khi ly hôn gửi đến Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết. Nội dung chủ yếu của mẫu đơn này sẽ ghi nhận những thông tin của bên khởi kiện và bên bị kiện cùng những nội dung yêu cầu được Tòa án giải quyết. Đây chính là căn cứ để Tòa án xem xét giải quyết tranh chấp về tài sản sau khi ly hôn của các đương sự.
2. Cách viết mẫu đơn khởi kiện chia tài sản sau ly hôn
Hiện nay, khi thực hiện thủ tục khởi kiện tranh chấp tài sản sau ly hôn, đương sự sẽ chuẩn bị mẫu đơn Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ – HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Mặc dù việc có mẫu đơn không phải là vấn đề phức tạp, thế nhưng nhiều người vẫn chưa biết cách viết sao cho đúng với quy định pháp luật. Trong phần thông tin này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn điều đó.
2.1. Về địa điểm làm đơn khởi kiện
Ở mục này, người làm đơn sẽ ghi chính xác địa điểm cũng như thời gian làm đơn khởi kiện tranh chấp về tài sản. Ví dụ như Hà Nội, ngày…. tháng…. năm…. Đây được coi là phần hình thức và xác định tính hợp lệ của đơn nên cần chú ý, tránh trường hợp người làm đơn chỉ chú trọng nội dung và bỏ qua phần này.
2.2. Về thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Đối với mục thẩm quyền giải quyết của Tòa án, tùy theo quy mô và tính chất vụ việc của mình, người làm đơn sẽ ghi thẩm quyền của Tòa án đó. Nếu là Tòa án nhân dân cấp huyện thường xác định cho vụ án trong nước. Đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì sẽ thuộc trường hợp vụ án có yếu tố nước ngoài.
2.3. Về thông tin người khởi kiện
Nếu người khởi kiện là cá nhân thì ghi rõ họ tên. Đối với trường hợp người khởi kiện bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự,… thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó. Ngoài ra, về thông tin người khởi kiện cần ghi nơi cư trú tại thời điểm nộp đơn.
2.4. Về thông tin người bị kiện
Trong phần này, người làm đơn sẽ ghi rõ thông tin của người bị kiện, bao gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, CMND/ CCCD. Bên cạnh đó cần có địa chỉ cư trú hiện tại đối với trường hợp vợ hoặc chồng đang không chung sống với nhau.
2.5. Về nội dung yêu cầu giải quyết
Người nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn nêu rõ nội dung, số tài sản chung giữa hai người. Đồng thời, nêu rõ mong muốn, nhu cầu của mình khi nộp đơn đến Tòa. Thông thường, việc chia tài sản theo quy định pháp luật sẽ dựa trên nguyên tắc chia đều, công bằng. Tuy nhiên, vẫn xét đến các yếu tố sau:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng.
- Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.
- Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
3. Ngoài đơn khởi kiện chia tài sản, cần thêm tài liệu gì để giải quyết tranh chấp?
Bên cạnh việc chuẩn bị đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản sau khi ly hôn, đương sự cần bổ sung thêm các tài liệu sau:
- Giấy tờ chứng thực cá nhân (CMND/ CCCD hoặc giấy tờ tùy thân khác).
- Sổ hộ khẩu của hai vợ chồng.
- Bản án hoặc các quyết định của Tòa án về việc đã ly hôn.
- Giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản chung của vợ chồng.
- Các tài liệu chứng cứ, chứng minh kèm theo.
4. Thời gian thực hiện giải quyết chia tài sản trong bao lâu?
Giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn là một thủ tục tương đối phức tạp. Do đó, thời gian sẽ kéo dài khoảng từ 4 đến 6 tháng đối với cấp sơ thẩm. Tuy nhiên, nếu vụ án phức tạp thì có thể kéo dài hơn. Đối với cấp phúc thẩm thời gian trong khoảng từ 03 tháng đến 04 tháng. Việc xét xử cấp phúc thẩm phải có căn cứ kháng cáo.
5. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn theo quy định pháp luật
Đối với trường hợp vợ chồng thỏa thuận không được việc phân chia tài sản, Tòa án sẽ áp dụng cách giải quyết theo khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 59 và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật hôn nhân và Gia đình 2014. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong việc thể hiện quyền và lợi ích các bên vợ chồng.