Cần nộp đơn ly hôn ở đâu để được xử lý nhanh nhất?
Một trong những lý do khiến thủ tục ly hôn không thành công xuất phát từ việc nộp đơn ly hôn sai địa điểm. Cần nộp đơn ly hôn ở đâu? Tùy thuộc vào trường hợp ly hôn cụ thể mà bạn sẽ xác định được Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý hồ sơ ly hôn của mình. Tìm hiểu ngay các thông tin pháp lý hiện hành trong nội dung bài viết dưới đây để có góc nhìn tổng quan chính xác hơn đối với xác định nơi nộp đơn ly hôn.
Mục lục
Điều kiện để được xử lý ly hôn
Pháp luật hiện hành hướng dẫn và quy định về hai hình thức thực hiện thủ tục ly hôn. Tùy thuộc vào điều kiện, trường hợp cụ thể trong mối quan hệ hôn nhân vợ chồng để xác định loại hình ly hôn phù hợp nhất.
Điều kiện ly hôn thuận tình
Thuận tình ly hôn là việc cả hai bên vợ chồng cùng đi đến thống nhất chấm dứt quan hệ hôn nhân. Căn cứ để giải quyết thuận tình ly hôn chính là:
- Sự tự nguyện ly hôn từ cả hai bên vợ chồng
- Hai bên đã thỏa thuận thống nhất về các vấn đề tài sản, công nợ, cấp dưỡng, nuôi dạy con cái…
Điều kiện ly hôn đơn phương
Căn cứ để giải quyết đơn phương ly hôn cần đáp ứng được các điều kiện phù hợp sau:
- Có căn cứ về hành vi bạo lực gia đình của bên bị ly hôn
- Có hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng
- Cuộc sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
- Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích
Xác định chính xác cần nộp đơn ly hôn ở đâu
Ly hôn về bản chất vẫn là vụ việc, vụ án dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Việc xác định địa điểm nộp đơn ly hôn ở đâu sẽ căn cứ vào thẩm quyền Tòa án theo cấp và thẩm quyền tòa án thụ lý theo lãnh thổ.
Trường hợp ly hôn có yếu tố nước ngoài
Ly hôn có yếu tố nước ngoài là việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam. Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 123 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.”
Theo đó, các tranh chấp hôn nhân có yếu tố nước ngoài sẽ phải thực hiện với Tòa dân sự Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị ly hôn đang cư trú, hoặc làm việc. Hãy tham khảo cơ sở pháp lý tại các khoản 1 Điều 28; khoản 3 Điều 29; Điều 37 và khoản 1 Điều 38 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015 về thẩm quyền Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với vấn đề ly hôn.
Trường hợp ly hôn không có yếu tố nước ngoài
Tùy thuộc vào thủ tục ly hôn đơn phương hay thuận tình, bạn sẽ phải làm thủ tục khởi kiện vụ án ly hôn hoặc yêu cầu công nhận quyết định ly hôn. Theo quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 35 và khoản 2 Điều 36 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, các trường hợp ly hôn đơn phương và ly hôn thuận tình không có yếu tố nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền thụ lý sơ thẩm của Tòa gia đình và người chưa thành niên Tòa án nhân dân cấp huyện.
Thủ tục ly hôn có tốn phí không?
Thủ tục ly hôn là thủ tục tố tụng dân sự được pháp luật quy định và hướng dẫn thực hiện. Khi tiến hành thủ tục này bạn cần phải đóng án phí dân sự sơ thẩm ly hôn theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14 là 300.000 đồng. Trong trường hợp có tranh chấp về tài sản yêu cầu Tòa án giải quyết, mức án phí sẽ tính trên giá ngạch của giá trị tài sản tranh chấp.