Cha mẹ ly hôn con dưới 3 tuổi ở với ai?
Trong trường hợp ly hôn xảy ra khi con vẫn còn nhỏ, điều kiện pháp lý và quy định liên quan đến việc con ở với ai được đặt ra nhằm bảo vệ lợi ích và phát triển của trẻ nhỏ. Hãy tiếp tục đọc để hiểu rõ hơn bố mẹ ly hôn con dưới 3 tuổi ở với ai và quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan trong trường hợp này.
Mục lục
1. Quy định pháp luật về quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi vợ chồng ly hôn
Theo khoản 3, điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền nuôi con dưới 3 tuổi khi vợ chồng ly hôn:
“3. Con dưới 36 tháng tuổi (con dưới 3 tuổi) được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”
Theo quy định trên, về nguyên tắc con dưới 36 tháng tuổi thì khi ly hôn được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Sở dĩ pháp luật có quy định như vậy vì trẻ nhỏ trong độ tuổi này đòi hỏi sự chăm sóc tận tâm và sự gắn kết với người chăm sóc. Mẹ thường có mối quan hệ gần gũi và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu cơ bản của trẻ nhỏ, bao gồm chăm sóc, dinh dưỡng, y tế và sự phát triển tâm lý hơn là người cha đối với trẻ nhỏ ở độ tuổi này.
Tuy nhiên, không phải con cứ dưới 36 tháng tuổi thì người mẹ mặc nhiên sẽ được quyền nuôi dưỡng, Tòa án còn xem xét các điều kiện khác để đưa ra quyết định cuối cùng. Đó là điều kiện về đời sống vật chất và tinh thần mà chúng tôi đã đề cập đến trong bài viết Bố mẹ ly hôn con dưới 3 tuổi ở với ai? Quý vị có thể tham khảo thêm.
Nếu người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì rất có thể Tòa án sẽ quyết định giao con dưới 36 tháng tuổi cho bố nuôi dưỡng. Mục đích là để đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho những đứa trẻ.
Tìm hiểu thêm: Làm cách nào để giành quyền nuôi con?
2. Những trường hợp nào người cha được nuôi con dưới 3 tuổi sau khi ly hôn
Ly hôn con dưới 3 tuổi ở với ai? Với trẻ dưới 36 tháng tuổi thì theo luật sẽ về ở với mẹ. Tuy nhiên người bố vẫn có thể được nuôi con trong các trường hợp dưới đây.
- Trường hợp thứ nhất: Hai vợ chồng thỏa thuận với nhau, vợ đồng ý để chồng là người nuôi, chăm sóc con.
- Trường hợp thứ 2: Trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
3. Trường hợp thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn
Theo Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về người trực tiếp nuôi con có thể thay đổi khi con đủ 36 tháng tuổi:
Điều 84. Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
Theo quy định này, tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con khi có yêu cầu từ cha, mẹ hoặc các cá nhân, tổ chức quy định. Quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con dựa trên việc cha mẹ thỏa thuận hoặc khi người trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện chăm sóc con.
Tòa án cũng phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên. Trường hợp cha và mẹ đều không đủ điều kiện nuôi con, tòa án sẽ quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự. Các cá nhân và cơ quan quản lý gia đình, trẻ em cũng có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con dựa trên lợi ích của con.
Chúng tôi hy vọng quý vị đã có câu trả lời cho câu hỏi cha mẹ ly hôn con dưới 3 tuổi ở với ai thông qua bài viết trên đây. Nếu quý vị còn quan tâm đến những vấn đề khác, hãy tìm hiểu các bài viết khác của chúng tôi.