Cha mẹ ly hôn: Vết thương trong lòng con trẻ
Hôn nhân là một việc hệ trọng của đời người, nó là cầu nối giữa 2 con người không cũng chung huyết thống hòa làm một, nó là sợi dây ràng buộc giữa người đàn ông và người phụ nữ, gắn kết họ trở thành một gia đình. Tuy nhiên, để có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc không phải chuyện đơn giản.
Ly hôn: kết quả của sự mất cân bằng các giá trị trong quan hệ hôn nhân
Phụ nữ khôn ngoan biết cách giận chồng
Bổn phận là con cái có quyền và nghĩa vụ gì?
Mục lục
Thực trạng ly hôn hiện nay
Theo thống kê của Liên hợp quốc, những năm gần đây, tỷ lệ ly hôn ở nhiều quốc gia trên thế giới đều có xu hướng gia tăng. Theo kết quả điều tra về Gia đình Việt Nam được Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, tỷ lệ ly hôn tại Việt Nam đang tăng lên nhanh chóng. Tỷ lệ ly hôn trong độ tuổi từ 18-60 là 2,6%, tỷ lệ này ở thành thị là 3,3%, ở nông thôn là 2,4% và tỷ lệ phụ nữ xin ly hôn cao gấp 2 lần so với nam giới. Trên 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình mà vợ chồng trong độ tuổi từ 22-30. Trong đó, có trên 60% ly hôn khi mới kết hôn từ 1-5 năm và hầu hết đã có con.
Nguyên nhân ly hôn
Vợ chồng ngoại tình: Đây là nguyên nhân hàng đầu làm hôn nhân tan vỡ. Có sự khác nhau về giới trong ngoại tình dẫn đến ly hôn. Người đàn ông ngoại tình dẫn đến ly hôn thấp hơn người phụ nữ ngoại tình. Nếu như người vợ có thể dễ dàng bỏ qua sự phụ tình của người chồng thì ngược lại, người chồng khó lòng chấp nhận sự phản bội của người vợ. Một khi người vợ không còn chung thủy nữa, đa phần họ đã lường thấy hậu quả đối với gia đình: ly hôn.
Vợ chồng thiếu kỹ năng xây tổ ấm: Nhiều cặp vợ chồng đưa nhau ra tòa đòi ly hôn với lý do rất chung chung là ‘không hợp nhau’. Nhưng thực tế cho thấy họ chia tay là do một hoặc cả hai bên không biết cách xây dựng cuộc sống gia đình. Mâu thuẫn cứ đầy theo năm tháng cho đến khi cả hai đều cảm thấy quá mệt mỏi và mong muốn thoát khỏi nhau.
Vợ chồng lục đục về tiền bạc: Khi mới yêu nhau thì thường có xu hướng thiên về tình cảm. Nhưng khi đã là vợ chồng, nhất là khi có con… thì cả hai đều phải đối mặt với bao lo toan hàng ngày. Sẽ khôn ngoan nếu để tiền bạc không ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng. Trong những lúc sóng gió đó nếu vợ chồng không cố gắng, không biết động viên mà cãi nhau thì cuộc sống gia đình bất yên, hôn nhân đổ vỡ là điều dễ hiểu.
Vợ chồng không cảm thông công việc của nhau: Trước khi kết hôn, đôi khi người vợ/chồng không băn khoăn về chuyện nửa kia làm nghề gì. Nhưng khi đã sống chung một mái nhà thì đó lại là vấn đề không nhỏ. Việc bên này thường xuyên phải đi sớm về khuya, trực qua đêm, hoặc vắng nhà lâu ngày cũng như giao tiếp với người khác giới… dẫn đến bên kia không hài lòng, thậm chí bức xúc, ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng. Sự thiếu cảm thông, khác biệt nghề nghiệp dẫn đến tranh cãi, quan hệ vợ chồng căng thẳng, ly hôn.
Mâu thuẫn trong chuyện ‘chăn gối’: Chuyện chăn gối (đời sống tình dục) không hòa hợp là nguyên nhân phá hỏng đời sống lứa đôi. Lý do rất đa dạng: Ham muốn tình dục của vợ chồng khác nhau nhưng ngại chia sẻ; vướng bận công việc hoặc con cái làm tần số ‘yêu’ giảm dần… Một khi vợ chồng để tình trạng trên kéo dài, không cố gắng cải thiện chốn phòng the thì sự liên kết, đồng điệu về tâm hồn dần dần mất đi và dẫn đến việc chia tay nhau.
Bạo lực gia đình: Bạo lực gia đình kéo dài trong nhiều năm cũng là nguyên nhân ly hôn. Đa số nạn nhân là phụ nữ. Họ không chỉ bị bạo hành về thể chất mà còn bị bạo hành về mặt tinh thần. Ly hôn trong trường hợp này được coi là cứu cánh cho chính bản thân họ và con cái họ.
Mâu thuẫn với bố mẹ hai bên: Nhiều khi việc thiếu kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình làm mọi việc cứ rối bời, mâu thuẫn vợ chồng phát sinh. Khi đó bố mẹ chồng, rồi bố mẹ vợ can thiệp. Mâu thuẫn gia đình cứ thế trở nên gay gắt, chuyển thành mâu thuẫn giữa con dâu và mẹ chồng, con rể với bố mẹ vợ hoặc mâu thuẫn giữa bố mẹ hai bên, giữa chị chồng và em dâu. Không ít cặp vợ chồng ly hôn vì những mâu thuẫn ‘bên ngoài’như vậy.
Vợ chồng ly tán: Việc xa nhau trong một thời gian dài dễ làm tình cảm vợ chồng nhạt phai. Thông thường ‘người thứ ba’ xuất hiện sẽ ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng, từ đó dẫn đến ly hôn. Có người cho rằng nguyên nhân ly hôn trong trường hợp này là ngoại tình. Thực ra không phải như vậy: Ly tán gia đình mới là thủ phạm của ly hôn.
Hậu quả đối với trẻ sau khi cha mẹ ly hôn
Phản ứng tức thời của đứa trẻ đối với việc ly dị của cha mẹ là hoảng sợ, cảm thấy không phải cha mẹ từ bỏ nhau mà là từ bỏ chính chúng. Mức độ phản ứng này phụ thuộc vào việc đứa trẻ sống trong một gia đình như thế nào. Trước khi ly dị, đứa trẻ càng được yêu thương và chăm sóc đầy đủ bao nhiêu thì khi cha mẹ ly dị chúng càng cảm thấy bị tổn thương và hoảng sợ bấy nhiêu.
Tiếp theo những phản ứng tức thời là những bất ổn khác xảy ra. Trẻ gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng tâm lý – xã hội như: khó khăn trong học tập, khó khăn trong việc thích ứng với hoàn cảnh sống mới, khó khăn trong các mối quan hệ xã hội…
Đối với trẻ nhỏ, sau khi cha mẹ ly dị, chúng gặp nhiều khó khăn trong học tập rất đa dạng: đọc không đúng, nói ngọng, viết sai chính tả nhiều, không thể tập trung chú ý trong giờ học, hay quên… Những trẻ lớn hơn thì tỏ ra chán học, hay quậy phá trong lớp.
Sự thay đổi chỗ ở cũng là những thử thách đối với trẻ nhỏ. Một số ít cha mẹ khi ly hôn không muốn hoặc không thể gánh vác trách nhiệm một mình nuôi dưỡng và chăm sóc con cái. Họ đã thỏa thuận trẻ ở với bố vài tháng hoặc vài tuần lại đến ở với mẹ. Sự chuyển dịch chỗ ở liên tục như vậy kéo theo sự xáo trộn trong sinh hoạt, tạo ra cho trẻ một số lo âu, chủ yếu là lo bị bỏ rơi.
Nếu như sự thay đổi hoàn cảnh sống sau ly hôn tác động lớn đến trẻ nhỏ thì ở trẻ lớn hơn, khó khăn đối với chúng lại thường xuất hiện trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là quan hệ bạn bè. Ở các em sinh ra tâm lý mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, có xu hướng co mình.
Trẻ còn cảm thấy cô đơn, bởi trong những hoàn cảnh bình thường con cái bao giờ cũng nhận được sự giúp đỡ của cha mẹ thì khi ly dị xảy ra, chúng rất ít hoặc hầu như không nhận được sự giúp đỡ đó.
Một trong những hậu quả lâu dài mà sự ly dị của cha mẹ để lại cho trẻ trai là xu hướng sử dụng bạo lực trong các mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ gia đình sau này. Theo nhiều nghiên cứu, nhóm trẻ trai trong các gia đình ly hôn có tỷ lệ nghiện rượu, nghiện ma túy và có nguy cơ xuất hiện các rối nhiễu tâm lý cao hơn hẳn nhóm trẻ bình thường.
Giải pháp hạn chế tình trạng ly hôn
Kết hôn khi đã thực sự trưởng thành: Theo thống kê và lời khuyên của các chuyên gia tâm lý – sức khỏe, kết hôn từ độ tuổi 25 trở lên khiến hôn nhân được xây dựng trên nền tảng vững chắc hơn, nguy cơ đổ vỡ thấp hơn so với kết hôn trước tuổi 25.
Trang bị kiến thức trước khi kết hôn: Trước khi kết hôn các bạn nên trang bị cho mình những kiến thức về hôn nhân, về giao tiếp trong gia đình, về những kỹ năng sống khác như nuôi dạy con trẻ, kỹ năng khi đứa con chào đời, kỹ năng xử lý những khác biệt về người bạn đời. Nên có sự chuẩn bị tâm lý kỹ càng khi bước vào đời sống vợ chồng để khỏi hụt hẫng.
Trước khi kết hôn nên bàn kĩ: Công việc, nơi làm việc, tuần trăng mật, sinh con, tài chính gia đình… là những vấn đề quan trọng cần được đôi bên cùng nhau suy tính kĩ càng. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cách làm trên không những khiến đôi bên hiểu nhau, thống nhất quan điểm, tìm được tiếng nói chung với nhau mà còn khiến cả hai có thêm sự hài lòng cũng như tinh thần trách nhiệm đối với tổ ấm mà họ sắp xây dựng.
Biết dừng đúng lúc khi phát sinh mâu thuẫn: Đừng vì quá tự trọng hay kiêu ngạo mà cãi đến cùng theo quan điểm của mình để đối phương phải tâm phục khẩu phục. Tranh luận, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi.
Cùng làm việc nhà: Hình thành tổ ấm gia đình bao gồm rất nhiều yếu tố, trong đó cần có thái độ tích cực của cả đôi bên. Cùng nhau gánh vác công việc gia đình khiến đôi bên càng hiểu, quý trọng và yêu nhau hơn.
Giữ lễ nghĩa, tôn trọng nhau: Dù đôi bên đã là của nhau vẫn cần giữ lễ nghĩa nhất định, tôn trọng đối phương cũng như tôn trọng và giữ thể diện cho chính mình.
Có ‘bệnh’ cùng chữa. Ai cũng có tật xấu, nhược điểm. Đôi bên cần học cách khoan dung, hiểu và bỏ qua cho những tật xấu ấy, đồng thời cùng nhau nhắc nhở và cố gắng sửa sai.
Hôn nhân xây dựng trên nền tảng tình yêu. Tình yêu là sợi dây vô hình gắn kết hai con người xa lạ. Có tình yêu, con người ta sẵn sàng học cách khoan dung, biết tha thứ cho những điều nhỏ nhặt để cùng phấn đấu xây dựng hạnh phúc.
Nguồn: Báo Sức khỏe và đời sống