LY HÔN: KẾT QUẢ CỦA SỰ MẤT CÂN BẰNG CÁC GIÁ TRỊ TRONG QUAN HỆ HÔN NHÂN
Nếu như kết hôn là sự xác lập quan hệ vợ chồng của người nam và người nữ theo quy định của pháp luật thì ly hôn là sự chấm dứt mối quan hệ đó. Ly hôn được coi là biện pháp cuối cùng giải thoát cho cả hai vợ chồng khi mà hôn nhân trở thành yếu tố cản trở cuộc sống của mỗi người và mục đích của hôn nhân không đạt được. Mặc dù vậy, do tính chất phức tạp và hậu quả xã hội nặng nề mà ly hôn không được khuyến khích. Quan hệ hôn nhân không phải là vấn đề cá nhân mà còn là vấn đề xã hội. Khi mà tỷ lệ ly hôn quá cao và ngày càng tăng thì ly hôn không còn là chuyện của hai người mà trở thành hiện tượng xã hội.
Phụ nữ khôn ngoan biết cách giận chồng
Bổn phận là con cái có quyền và nghĩa vụ gì
Quyền trẻ em và những điều cần biết về quyền trẻ em
Theo một công trình nghiên cứu xã hội học của tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa (Trường Đại học KHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh) thì tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm 31 – 40%, tức là cứ ba cặp kết hôn lại có một cặp ly hôn. Đáng chú ý là 60% số vụ ly hôn này thuộc về các gia đình trẻ, tuổi vợ chồng chỉ từ 23 – 30. (TheoVTC News ngày 17/1/2007).
Chúng ta lý giải như thế nào khi mà tỷ lệ ly hôn ngày càng cao? Nếu được hỏi “Vì sao bạn kết hôn ?“, câu trả lời không chỉ là “Vì chúng tôi yêu nhau” mà sẽ còn là nhiều lý do khác. Và nếu được hỏi “Vì sao bạn quyết định ly hôn ?“, câu trả lời cũng sẽ không chỉ là “Chúng tôi không còn yêu nhau.” Trong một xã hội có hôn nhân tự nguyện thì chúng ta có thể hình dung việc lựa chọn bạn đời ngoài việc dựa trên tình yêu thì còn được dựa trên sự lựa chọn giữa cái được và cái mất. Thông thường, khi kết hôn, chúng ta sẽ có được sự ổn định về tài chính, sự động viên, bảo vệ, thỏa mãn nhu cầu tình cảm, sinh lý…Nhưng chúng ta sẽ bị ràng buộc về thời gian, có trách nhiệm với bạn đời và con cái. Phụ nữ còn phải nuôi con nhỏ, khó khăn hơn trong việc trau đồi kỹ năng chuyên môn nghề nghiệp, thậm chí có người còn phải nghỉ việc, cắt đứt quan hệ với bạn bè…Khi các cá nhân cảm nhận được sự cân bằng giữa được và mất, họ sẽ quyết định kết hôn. Và rõ ràng, các cá nhân cũng chỉ đi đến quyết định ly hôn khi mà họ cho rằng hôn nhân đối với họ trở nên mất nhiều hơn là được. Vậy vì sao khi kết hôn, cá nhân cảm nhận sự cân bằng giữa được và mất, thậm chí còn cho rằng được nhiều chứ mất chẳng bao nhiêu, thế mà sau thời gian chung sống thì họ lại thấy rằng mất nhiều hơn là được? Có thể lý giải rằng, trải qua thời gian, thang giá trị (hiểu một cách đơn giản thì giá trị là những gì mà cá nhân cho là đúng, là tốt, là đáng phải có và có xu hướng hành động để đạt được- thang giá trị là sự sắp xếp các giá trị theo mức độ ) của các cá nhân có sự thay đổi và ly hôn là kết quả của sự mất cân bằng các giá trị trong quan hệ hôn nhân.
Như trên đã nói, khi kết hôn, sự cân nhắc, lựa chọn bạn đời được dựa trên sự cân bằng giữa các giá trị. Theo đó, các cá nhân hài lòng với những giá trị mà người bạn đời họ lựa chọn như là: sức khỏe tốt, ngoại hình đẹp, của cải dồi dào, lãng mạn…Nhưng theo thời gian, những yếu tố đó có thể không còn phù hợp, không đáp ứng được giá trị cần trao đổi. Ví dụ, chẳng may người bạn đời gặp rủi ro ảnh hưởng sức khỏe dẫn tới mất việc, sụt giảm của cải, thân hình tàn tạ…thì rất có thể người kia cảm thấy những cái mình cho đi thật chẳng xứng với những gì mình nhận được và ly hôn có thể sẽ xảy ra
Trong phim “Mùa lá rụng” dựa theo tiểu thuyết “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng có chi tiết nhân vật Lý đòi ly hôn với chồng là Đông . Khi kết hôn, Lý cảm thấy hài lòng và mãn nguyện vì khi đó Đông là sĩ quan quân đội, gia đình cơ bản. Nhưng dưới tác động của nền kinh tế thị trường, các giá trị xã hội có sự biến đổi, Lý là người nhạy bén với thời cuộc còn Đông lại vẫn giữ nguyên những phẩm chất, tính cách từ khi kết hôn. Thế là nảy sinh mâu thuẫn, có lần Lý nói với chồng về cuộc hôn nhân “Đây là cuộc làm ăn thất bại lớn nhất trong cuộc đời tôi“. Đây là trường hợp tương đối điển hình và mang tính đại diện cho nhiều trường hợp ly hôn khác ở xã hội ngày nay.
Chúng ta biết rằng sự khác biệt không phải khi nào cũng xảy ra mâu thuẫn nhưng nếu sự khác biệt quá nhiều thì trong quá trình sống, đòi hỏi ở cả hai người có sự thích nghi và điều chỉnh thang giá trị của bản thân. Điều đó không phải ai cũng làm được. Ở đây, chúng ta thấy sự hợp lý trong quan niệm “môn đăng hộ đối” của người xưa. Trong quan hệ hôn nhân, sẽ dễ dàng cho cả hai người để đạt được mức độ thích ứng cao trong quá trình tương tác khi họ có sự tương đồng về văn hóa ( văn hóa gia đình, văn hóa vùng miền, văn hóa giao tiếp…). Nhiều người thường đặt ra câu hỏi vì sao trước đây “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” thì ít ai ly hôn, còn bây giờ cưới nhau vì tình yêu, sao ly hôn nhiều thế? Ở đây có sự thay đổi về định hướng giá trị trong hôn nhân. Do tin tưởng vào tình yêu “sét đánh”, nhiều người kết hôn mà không tìm hiểu về sở thích, mong muốn, ước mơ, nghề nghiệp, gia đình của bạn đời. Sau một thời gian chung sống, có thể xuất hiện sự chênh lệch về trình độ, sự mâu thuẫn trong mô hình hành động và giao tiếp…Cũng theo kết quả điều tra xã hội học của Ts. Nguyễn Minh Hòa thì 70% cặp vợ chồng nằm trong mẫu điều tra ly hôn khi mới kết hôn chỉ từ 1 – 7 năm và đa số đã có con…Như vậy, hầu hết mâu thuẫn xảy ra trong thời gian đầu chung sống, thời gian cần thiết để có sự điều chỉnh. Nếu một trong hai người hoặc cả hai không điều chỉnh thang giá trị của mình thì ly hôn có thể xảy ra sau nhiều “sự kiện” cãi nhau, đánh đập, ngoại tình..
Hẳn nhiều người xem phim “Gà trống nuôi con” (trình chiếu trên VTV1) còn nhớ ngay cảnh mở đầu là cảnh bà vợ tuyên bố với chồng khi chồng mới đi làm về “Chúng ta ly hôn“. Ông chồng vô cùng bất ngờ bởi ông ta vẫn nghĩ vợ mình luôn hạnh phúc khi được ở nhà nội trợ, chăm con, không hề phải lo lắng tới vấn đề tài chính. Thực tế, hai người đã có những quan niệm khác biệt về vai trò của người phụ nữ trong gia đình: chồng thì cho rằng phụ nữ chỉ nên ở nhà, chăm sóc chồng con còn người vợ thì ngược lại, cô ta muốn được đi làm, muốn có thu nhập, muốn được tham gia vào nhiều hoạt động xã hội. Rõ ràng, hôn nhân rất dễ tan vỡ khi mà có sự đối lập về thang giá trị giữa vợ và chồng. Việc ly dị lúc này được cả hai coi như một cơ hội giải thoát, bắt đầu một cuộc sống mới.
Có rất nhiều lý do để đi tới quyết định ly hôn nhưng trên cơ sở những phân tích như trên, chúng ta thấy để hôn nhân bền vững thì rất cần thiết có sự cân bằng về giá trị trao đổi giữa vợ và chồng. Trong quá trình chung sống, để đạt được mức độ thích nghi cao kiểu “thuận vợ thuận chồng” hoặc “phu xướng, phụ tòng“đòi hỏi ở cả hai sự sự điều chỉnh về thang giá trị của cá nhân.
Nguồn: hienthuan.vnweblogs.com