Chưa ly hôn con có được mang họ mẹ hay không?
Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là những nước chịu ảnh hưởng từ học thuyết Nho gia, con cái khi sinh ra thường mang họ cha. Do đó, trong hôn nhân, giữa hai người chưa có sự chấm dứt mối quan hệ vợ chồng theo pháp luật thì giai đoạn người vợ mang thai và đứa trẻ được ra đời vẫn được xác định là con chung. Vậy khi chưa ly hôn con có được mang họ mẹ không và thủ tục đăng ký được thực hiện như thế nào?
Mục lục
1. Chưa ly hôn con có được mang họ mẹ không?
Chưa ly hôn con có được mang họ mẹ không? Trong quan hệ hôn nhân, bình đẳng và tiến bộ là tiêu chí được đặt lên hàng đầu. Do đó, hiện nay, việc sử dụng họ cha hoặc họ mẹ đặt cho con đều được pháp luật công nhận. Căn cứ theo quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ – CP hướng dẫn Luật Hộ tịch, các cặp vợ chồng hoàn toàn có thể đăng ký tên khai sinh cho con mang họ mẹ trong thời kỳ hôn nhân. Cụ thể như sau:
“1. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán.”
Như vậy, chiếu theo quy định trên có thể thấy, trong quá trình đăng ký khai sinh cho con, cha mẹ hoàn toàn có thể thỏa thuận việc đặt họ cho con theo họ của mẹ. Điều này bắt buộc phải được sự đồng thuận của cả hai người. Tuy nhiên, trong trường hợp không thể thỏa thuận được hoặc không có thỏa thuận thì họ của con sẽ xác định theo tập quán. Từ đó có thể thấy, bên cạnh vấn đề tranh giành quyền nuôi con thì việc con theo họ mẹ hay họ cha cũng là vấn đề được nhiều cặp đôi quan tâm.
Thông thường, đối với dân tộc Kinh, con cái sẽ mang họ cha. Thế nhưng, có một số dân tộc thiểu số theo chế độ mẫu hệ, con theo họ mẹ như dân tộc Chăm và một số dân tộc vùng cao thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên.
2. Thủ tục đăng ký khai sinh cho con mang họ mẹ
Về cơ bản, việc đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ không có sự khác biệt so với đăng ký khai sinh thông thường. Do đó, thủ tục đăng ký khai sinh cho con được diễn ra theo trình tự như sau:
- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký. Hồ sơ đăng ký sẽ bao gồm tờ khai đăng ký khai sinh, bản chính giấy chứng sinh, văn bản uỷ quyền trong trường hợp uỷ quyền thực hiện đăng ký khai sinh.
- Bước 2: Nộp giấy tờ tài liệu nêu trên đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ để được xem xét.
- Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh. Theo đó, công chức cấp xã sẽ có trách nhiệm tiếp nhận kiểm tra toàn bộ thông tin, đối chiếu trong Tờ khai có trong hồ sơ, tính hợp lệ giấy tờ,… Nếu hồ sơ hợp lệ, đầy đủ, người tiếp nhận sẽ viết giấy tiếp nhận và ghi rõ thời gian trả kết quả. Trong trường hợp hồ sơ chưa hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung theo quy định.
- Bước 4: Cấp Giấy khai sinh. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, nếu thông tin khai sinh đầy đủ, hợp lệ, đáp ứng các yêu cầu đặt ra thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Sau đó, người đăng ký khai sinh ký tên vào Sổ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã sẽ cấp Giấy khai sinh và Trích lục nhận cha, mẹ, con cho người yêu cầu.
3. Thời hạn đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ trong bao lâu?
Thời hạn đăng ký khai sinh cho con theo họ mẹ cũng như thời hạn đăng ký khai sinh thông thường. Tại khoản 1 Điều 15 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:
“ Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.”
Tuy nhiên, dù con theo họ mẹ hay họ cha, thì đăng ký khai sinh cho con cũng vẫn phải được thực hiện. Đây chính là trách nhiệm đặt ra không chỉ cho mỗi gia đình mà cho cả những cá nhân trong Cơ quan Nhà nước, cụ thể “Công chức tư pháp – hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định; trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.”
4. Lệ phí khai sinh cho con mang họ mẹ là bao nhiêu?
Hiện nay, chưa có một quy định văn bản pháp luật nào hướng dẫn thu lệ phí về thủ tục đăng ký khai sinh cho bé mang họ mẹ. Tuy nhiên, đối với những trường hợp quá hạn khai sinh của con, việc nộp lệ phí và mức thu cụ thể sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.
5. Nộp tờ khai đăng ký khai sinh tại đâu?
Cha hoặc mẹ khi đăng ký khai sinh cho con sẽ nộp tờ khai đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ (trừ trường hợp có yếu tố nước ngoài sẽ nộp đến Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh). Vấn đề này đã được quy định cụ thể tại Điều 13 Luật Hộ tịch.