Điều kiện để vợ chồng nhờ người khác mang thai hộ
Năm 2015 được xem là một năm đáng nhớ, đáng mong chờ và đáng để hy vọng của gần 1 triệu cặp vợ, chồng hiếm muộn ở Việt Nam. Khi Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 ghi nhận quyền nhờ người khác mang thai hộ của vợ chồng chính thức có hiệu lực thi hành. Vui mừng là vậy, nhưng điều làm họ băn khoăn là điều kiện gì để nhờ người khác mang thai hộ? Câu trả lời thỏa đáng sẽ có trong bài viết sau.
Quyền thừa kế của vợ không có tên trong di chúc
Hoa tức, lợi tức và quyền định đoạt tài sản sản riêng trong hôn nhân
Thủ tục kết hôn giữa người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam tại Việt Nam
Điều kiện để vợ chồng nhờ người khác mang thai hộ?
Theo quy định tại Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì để vợ chồng nhờ người khác mang thai hộ khi và chỉ khi thỏa mãn các điều kiện sau:
- Bản chất mang thai hộ
Việc mang thai hộ phải vì mục đích nhân đạo, thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
Trong đó, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được hiểu là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con. Vậy có thể hiểu đứa trẻ sinh ra mang giọt máu của vợ chồng nhờ mang thai hộ và là con của cặp vợ chồng này. Người mang thai hộ đóng vai trò cho mượn bụng để nuôi dưỡng phôi của vợ chồng hiếm muộn cấy vào tử cung phát triển cho đến khi đứa bé chào đời.
- Các bên mang thai hộ
Để mang thai hộ được thừa nhận thì cả cặp vợ chồng hiếm muộn và người mang thai hộ đều phải thỏa mãn các điều kiện luật định sau:
Đối với vợ chồng nhờ mang thai hộ
– Phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
– Vợ chồng đang không có con chung;
– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Đối với người mang thai hộ
– Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ;
– Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
– Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
– Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.