Quyền thừa kế của vợ không có tên trong di chúc
Rất nhiều đàn ông có chung suy nghĩ rằng sau khi mình chết vợ sẽ đi lấy người khác. Do vậy, khi lập di chúc họ để lại di sản cho những người thân khác trong gia đình trừ vợ. Vậy quyền thừa kế của vợ có xảy ra khi không có tên trong di chúc?
Hoa tức, lợi tức và quyền định đoạt tài sản riêng trong hôn nhân
Thủ tục kết hôn giữa người nước ngoài với công dân Việt Nam tại Việt Nam
Giấy xác nhận tình trạng độc thân để kết hôn với người nước ngoài theo Pháp luật mới nhất
Mục lục
Quyền thừa kế của vợ không có tên trong di chúc
Lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết là quyền cơ bản của công dân được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Kể từ thời điểm người đó chết, di chúc sẽ có hiệu lực pháp luật và về cơ bản di sản sẽ được xử lý theo nội dung di chúc. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích của người vợ cũng như một số thành viên khác trong gia đình, quyền này bị hạn chế bởi chế định thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Điều 669 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định chế định thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc. Theo đó “Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
- Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.”
Như vậy, quyền thừa kế của vợ không có tên trong di chúc được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, nếu họ rơi vào các trường hợp dưới đây thì quyền này sẽ bị hủy bỏ:
– Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
– Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
– Bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
– Có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Phạm vi quyền thừa kế của vợ
Theo quy định trên, vợ không được hưởng di sản bằng với những người thừa kế theo di chúc, mức hưởng của họ bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật.
Di sản được chia theo pháp luật là khi xảy ra các trường hợp chia thừa kế theo pháp luật do Bộ luật này quy định sẽ theo nguyên tắc: những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Người thừa kế theo pháp luật là người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 676 Bộ luật dân sự, cụ thể là:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Nói một cách đơn giản, khi phân chia di sản đầu tiên phải xác định tổng giá trị tài sản của người chết. Sau đó, xác định hàng thừa kế của người chết, lấy tổng di sản chia cho những người này theo nguyên tắc trên. Khi chia xong, ta biết được một suất của người thừa kế theo pháp luật. Lúc này để tính di sản mà người vợ không có tên trong di chúc được hưởng lấy 2/3 nhân với giá trị tài sản mà một người thừa kế theo pháp luật được hưởng đã tính ở trước đó. Giá trị tài sản còn lại, chia cho những người thừa kế khác theo tỉ lệ mà họ được hưởng theo di chúc. Chẳng hạn, ông A chết có vợ, mẹ và một đứa con. ông A lập di chúc để lại toàn bộ tài sản của mình trị giá 900 triệu đồng cho mẹ và con mỗi người 450 triệu đồng. Riêng người vợ không được hưởng, lúc này quyền thừa kế của vợ sẽ được áp dụng theo chế định thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc với mức hưởng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật. Lúc này, tạm chia di sản của A theo pháp luật để phân chia lại di sản. Ta thấy hàng thừa kế thứ nhất, gồm vợ, mẹ và con. Theo nguyên tắc, cùng hàng sẽ được hưởng như nhau do vậy mỗi người được 300 triệu đồng. Vợ được hưởng 2/3 x 300 triệu đồng = 200 triệu đồng. Còn lại 700 triệu đồng sẽ chia đều cho mẹ và con của người chết theo tỷ lệ 1:1 như ý chí của người để lại di sản là mỗi người 350 triệu đồng.
Như vậy, dù nội dung di chúc của chồng chỉ để lại di sản cho những người thừa kế khác mà không có người vợ. Thì người này vẫn có thể yêu cầu những đồng thừa kế khác, hoặc Tòa án được phân chia di sản của chồng theo chế định thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc như đã đề cập ở trên.