Đơn xác nhận tình trạng hôn nhân
Đơn xác nhận tình trạng hôn nhân có thể hiểu là việc một cá nhân làm thủ tục cam kết về tình trạng hôn nhân của mình: độc thân, đã ly hôn, đã kết hôn… khi muốn thực hiện một giao dịch hoặc một thủ tục nào đó như: Đăng ký kết hôn, thế chấp vay vốn ngân hàng…Bài viết hôm nay chúng tôi sẽ cung cấp đến các bạn những vấn đề pháp lý liên quan đến đơn cấp xác nhận tình trạng hôn nhân.
Mục lục
1. Mẫu đơn xác nhận tình trạng hôn nhân
Khoản 2 Điều 23 Nghị định 123/2015/NĐ-CP nêu rõ: “Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được sử dụng để kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài hoặc sử dụng vào mục đích khác.”
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình, pháp luật Việt Nam đang cấm một người đang có vợ, đang có chồng mà kết hôn với người khác. Do đó, khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn thì bắt buộc phải nộp thêm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để loại trừ khả năng việc kết hôn này vi phạm pháp luật.
Ngoài mục đích kết hôn, khi thực hiện các thủ tục khác như nhận con nuôi, mua bán tài sản, công dân cũng cần phải cung cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Mẫu tờ khai cấp giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân được quy định tại Phụ lục 05 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP. Nội dung đối với loại tờ khai này bao gồm:
- Tên Ủy ban nhân dân nơi cấp xác nhận;
- Thông tin nhân thân của người yêu cầu cấp giấy: Họ tên, giới tính, năm sinh, số giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân), nghề nghiệp;
- Thông tin cư trú;
- Thời gian cư trú;
- Tình trạng hôn nhân hiện tại;
- Mục đích sử dụng giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
2. Thủ tục xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
2.1. Trường hợp nào không cấp giấy xác nhận hôn nhân?
Khoản 5 Điều 12 Thông tư 04/2020 nêu rõ, có 02 trường hợp không cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân gồm:
– Kết hôn với người cùng giới tính.
– Kết hôn với người nước ngoài tại Cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam.
Để được cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, người có yêu cầu phải thực hiện theo thủ tục, trình tự tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP và Thông tư 04/2020/TT-BTP theo những bước như sau:
2.2. Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy xác nhận hôn nhân
Theo Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì hồ sơ bao gồm:
– Tờ khai theo mẫu.
– Các giấy tờ khác bao gồm:
- Bản án hoặc quyết định ly hôn (nếu có);
- Giấy chứng tử của vợ/chồng (nếu có);
- Ghi chú ly hôn, hủy việc kết hôn (công dân Việt Nam ly hôn, hủy kết hôn ở nước ngoài);
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (đã cấp trước đó nếu có). Nếu không nộp lại thì phải trình bày rõ lý do.
2.3. Bước 2: Cơ quan cấp giấy xác nhận
Thẩm quyền cấp giấy xác nhận hôn nhân được thực hiện theo Điều 21 Nghị định 123 năm 2015:
– Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, nơi thường trú của công dân Việt Nam hoặc của công dân nước ngoài và người không quốc tịch cư trú tại Việt Nam, nếu có yêu cầu.
– UBND cấp xã, nơi công dân đăng ký tạm trú nếu công dân Việt Nam không có nơi thường trú, nhưng có đăng ký tạm trú.
Số bản cấp: Theo Điều 12 Thông tư 04/2020/TT-BTP thì số bản cấp được xác định như sau:
– Cấp 01 bản nếu sử dụng vào mục đích kết hôn.
– Cấp theo số lượng được yêu cầu nếu sử dụng vào mục đích khác không phải để kết hôn.
Thời gian cấp: Được nêu cụ thể tại Điều 22 Nghị định 123/2015/NĐ-CP là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
Lệ phí cấp: Theo Điều 5 Thông tư số 85/2019/TT-BTC, lệ phí trong trường hợp này sẽ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Miễn lệ phí cho người thuộc gia đình có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người khuyết tật.