Hành vi quấy rối tình dục trong pháp luật Việt Nam
Hành vi quấy rối tình dục bao gồm hiếp dâm, dâm ô và những hành vi mang tính chất tình dục khác. Đến nay, khái niệm “quấy rối tình dục” chưa được định nghĩa một cách rõ ràng trong luật pháp Việt Nam, chỉ mới được đề cập chung chung trong Bộ luật Lao động như một hành vi bị nghiêm cấm (Khoản 2, Điều 8) và là căn cứ để người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (Điểm c, Khoản 1, Điều 37).
Thực trạng nạn ấu dâm ở nước ta hiện nay
Hình phạt đối với tội hiếp dâm
Hành vi vu khống và hậu quả pháp lý
Ngày 25-5-2015, Bộ LĐTB-XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam công bố Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam. Thế nhưng, đây chỉ được xem như một dạng tài liệu tham khảo dành cho người lao động và người sử dụng lao động, chứ không mang giá trị pháp lý. Dù vậy, ý tưởng và câu chữ giải thích của bộ quy tắc này khá chặt chẽ, tiệm cận với pháp luật về quấy rối tình dục của nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Theo đó, không phải mọi hành vi có tính chất tình dục đều là quấy rối tình dục; mà quấy rối tình dục là “hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý, làm xúc phạm đối với người nhận”.
Có nhiều hình thức quấy rối tình dục:
– Hành vi quấy rối thể chất: tiếp xúc, cố tình đụng chạm sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm…
– Hành vi quấy rối bằng ngôn ngữ: nhận xét không phù hợp, thiếu đúng đắn, có ngụ ý về tình dục, đưa ra đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục… Đây là hình thức quấy rối thường gặp nhất ở Việt Nam, chẳng hạn như những lời lẽ đánh giá ngoại hình, những bộ phận nhạy cảm của người phụ nữ – đối với nhiều người đây có thể là hành vi bình thường, nhưng thực tế đó chính là quấy rối tình dục.
– Hành vi quấy rối phi ngôn ngữ: ngôn ngữ cơ thể không đúng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm…
Như vậy, nội hàm của quấy rối tình dục rất rộng, bao gồm cả hiếp dâm, dâm ô và những hành vi mang tính chất tình dục khác. Hiện nay, pháp luật hình sự của chúng ta đã có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm. Khung hình phạt dành cho những tội này có thể lên tới chung thân hoặc tử hình (trường hợp nạn nhân dưới 16 tuổi).
Tuy nhiên, đối với những hành vi chỉ dừng lại ở mức độ sờ mó, lời lẽ khiếm nhã… mà không có tính chất giao cấu thì Bộ luật Hình sự Việt Nam hầu như không điều chỉnh. Đối với trường hợp nạn nhân là người dưới 18 tuổi thì những hành vi quấy rối tình dục dạng này có thể bị khép vào tội dâm ô đối với trẻ em theo Điều 116 Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần rất nhỏ trong số những hành vi quấy rối tình dục diễn ra trên thực tế, thậm chí để cấu thành tội dâm ô đối với trẻ em thì hành vi đó phải có tính chất động chạm thân thể.
Bộ luật Hình sự 2015 sắp có hiệu lực trong thời gian tới cũng chỉ ghi nhận thêm một hành vi nữa là: “Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm” ở Điều 147, với mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù giam.
Tóm lại, pháp luật nước ta chưa có chế tài rõ ràng và đầy đủ đối với các hành vi quấy rối tình dục không mang tính chất giao cấu, mà quấy rối bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Cũng có thể hiểu vì sao pháp luật Việt Nam chưa mạnh dạn đưa tội danh quấy rối tình dục như trên vào Bộ luật Hình sự, bởi lẽ đây là tội phạm rất khó chứng minh, hầu như không để lại sự thương tổn vật lý, tuy nhiên các nạn nhân vẫn có thể phải gánh chịu sự tổn thương lớn và khủng hoảng về tinh thần, đặc biệt đối với trẻ em.