Hòa giải trong ly hôn
Trong các quan hệ dân sự, tôn trọng sự thỏa thuận, tự do định đoạt của các bên là một trong những nguyên tắc cơ bản. Do đó, việc hòa giải phù hợp với những quy định của pháp luật luôn được khuyến khích; đặc biệt là đối với các vụ việc về hôn nhân và gia đình, trong đó có ly hôn.
Kết hôn với người nước ngoài có cần xin giấy xác nhận hôn nhân?
Công nhận việc kết hôn được giải quyết ở nước ngoài
Ly hôn tại Tòa án nhân dân quận Hoàng Mai
Hòa giải trong ly hôn được thực hiện với mong muốn giúp hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng đang bên bờ vực thẳm đồng thời, tiết kiệm được thời gian, công sức cũng như tiền bạc của các bên. Song việc tối đa hóa hiệu quả của thủ tục hòa giải trên thực tế là một chặng đường không dễ dàng bởi những rào cản xuất phát từ cả pháp luật và thực tiễn.
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, khi giải quyết ly hôn sẽ có thủ tục hòa giải ở cơ sở (hòa giải diễn ra trước khi nộp đơn yêu cầu ly hôn) và hòa giải tại Tòa án (hòa giải trong khi chờ đưa vụ án ra xét xử sau khi vụ án đã được thụ lý). Hai thủ tục này có những khác biệt nhất định.
Điều 52 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 khẳng định rằng: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải ở cơ sở được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”. Như vậy, hòa giải ở cơ sở không là thủ tục bắt buộc và vì thế không một Tòa án nào có quyền từ chối thụ lý đơn yêu cầu ly hôn chỉ vì lý do các bên đương sự (vợ, chồng) không cung cấp biên bản hòa giải ở cơ sở khi nộp đơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận vai trò to lớn của hoạt động này. Theo pháp luật, hòa giải ở cơ sở có thể được tiến hành trong phạm vi từ nội bộ gia đình, cộng đồng dân cư; thôn, ấp, bản, làng đến UBND xã, phường, thị trấn và ngay cả cơ quan làm việc của cả vợ, chồng. Bên cạnh đó, hòa giải viên thường là những người quen biết, thậm chí có thể có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với vợ, chồng nên có thể hiểu rõ về mỗi người cũng như quan hệ hôn nhân của họ. Từ đó, có thể đưa ra những lời khuyên đúng đắn và thiết thực nhất cho những người trong cuộc.
Tuy nhiên, về mặt thực tế thì hoạt động này không phải lúc nào cũng mang lại kết quả như mong đợi, ở nhiều nơi nó chỉ mang tính “hình thức” và tỷ lệ các cặp vợ chồng quay lại với nhau sau khi được hòa giải ở cơ sở là không nhiều. Vì nhiều lý do, nhiều cặp vợ chồng né tránh việc hòa giải do ngại tiếp xúc, ngại đưa vấn đề ra bàn bạc với sự có mặt của nhiều người. Cũng không hiếm các trường hợp, vợ chồng tuy mâu thuẫn trầm trọng, âm ỉ kéo dài nhưng vì cha mẹ, con cái, danh tiếng, địa vị xã hội… nên bề ngoài vẫn tỏ ra hạnh phúc; chỉ đến khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, họ mới chọn giải pháp ly hôn. Do đó, họ cũng không áp dụng việc hòa giải tại cơ sở.
Cần khẳng định lại rằng vì hòa giải ở cơ sở là không bắt buộc nên không nhất thiết phải qua hòa giải cơ sở, đương sự có quyền nộp đơn ly hôn trực tiếp cho Tòa án.
Khác với hòa giải ở cơ sở, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án ly hôn, Tòa án nhất định phải tiến hành hòa giải cho đương sự, kể cả khi hai bên thuận tình ly hôn, trừ các trường hợp không hòa giải được theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Điều 54 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 chỉ rõ: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”. Việc hòa giải trước khi xét xử có ý nghĩa rất quan trọng, nó thể hiện tính trách nhiệm cao của những người có thẩm quyền xét xử, luôn đề cao việc tạo điều kiện cho đương sự có cơ hội chia sẻ, trình bày, viết lời khai trước những người có quyền ra quyết định việc ly hôn của hai người. Thủ tục bắt buộc này phải được tiến hành kể cả khi có yếu tố cho rằng không hề khả quan và khó có kết quả. Bỏ qua thủ tục này thì dù đã có quyết định, bản án thì cũng bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và là căn cứ để kháng cáo, kháng nghị.
Đối với thuận tình ly hôn, trong trường hợp hòa giải đoàn tụ không thành, các bên đồng ý ly hôn, Tòa sẽ hòa giải để các bên thỏa thuận vấn đề nuôi con, cấp dưỡng nuôi con, chia tài sản, nợ chung… Nếu các bên thỏa thuận được, Tòa án sẽ lập biên bản ghi nhận sự tự nguyện ly hôn. Sau bảy ngày kể từ ngày lập biên bản, nếu các bên vẫn không thay đổi ý kiến, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự. Việc hòa giải thuận tình ly hôn sẽ giúp cho thời gian giải quyết ly hôn được nhanh chóng, thuận lợi; các bên sẽ không mất nhiều thời gian tới lui để “hầu” tòa, nếu có tranh chấp về tài sản mà hòa giải thành, các bên chỉ phải mất 50% án phí.
Như vậy, ý nghĩa của thủ tục hòa giải của Tòa án không chỉ là tạo cơ hội cuối cùng để các bên có thể hàn gắn lại quan hệ vợ chồng mà còn tạo những điều kiện thuận lợi nhất định cho quá trình ly hôn.